Ngoại tệ không phải là đồng tiền để thanh toán phổ biến, nhưng không ai có thể cấm người dân, DN nắm giữ USD.
Bởi vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ xuống 0%/năm và khả năng sắp tới sẽ hướng tới việc phải trả phí cho ngân hàng khi gửi tiết kiệm USD liệu có xóa bỏ được tình trạng găm giữ ngoại tệ?
Sẽ thu phí gửi USD
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, dù NHNN đã hạ lãi suất USD về 0%/năm nhưng trên thị trường những ngày qua, tỷ giá USD vẫn tiếp tục tăng kịch trần. Lý giải cho hiện tượng này, một số lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho rằng, đang có tình trạng găm giữ ngoại tệ. Một phần, do lãi suất tiền đồng đã giảm xuống mức thấp, mặt khác, xuất hiện tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong năm tới sau hành động của Fed.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát tỷ giá theo hướng ổn định và không điều chỉnh cho đến hết quý I/2016. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, định hướng nhất quán của NHNN là chống đô la hóa, nghĩa là sẽ dần chuyển quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán. Thống đốc Bình cho rằng, quyền nắm giữ ngoại tệ của người dân, DN được tôn trọng, nhưng trên lãnh thổ Việt Nam thì phải sử dụng VND.
Trước mắt, người dân vẫn có quyền rút ngoại tệ, nhưng NHNN không khuyến khích việc này. Chẳng hạn đối với vàng, trước đây gửi vàng được hưởng lãi suất, nhưng ngày nay lại phải trả phí. Do đó, theo Thống đốc NHNN, sẽ từng bước tiến tới việc gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Điều này cũng nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia tài chính, tiền tệ.
Một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc hướng tới thu phí khi gửi tiết kiệm bằng USD là phù hợp với lộ trình chống tình trạng đô la hóa mà Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh.
Theo thành viên trên, mục tiêu của việc chống tình trạng đô la hóa là bắt buộc mọi giao dịch thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam phải được chuyển đổi sang tiền đồng. Vì vậy, các loại hàng hóa cũng đều được niêm yết bằng VND… nên không thể trả lãi suất khi gửi tiết kiệm USD.
Việc tiến tới thu phí đối với tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ được cho là giải pháp để hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ. Bởi trước biến động của tỷ giá thời gian qua và kỳ vọng trong thời gian tới đây, không ít người vẫn muốn nắm giữ đồng bạc xanh.
Hiện tại, lãi suất USD đối với doanh nghiệp và cá nhân đã được đưa về mức 0%/năm. Thống đốc NHNN cho biết, tới đây không loại trừ khả năng NHNN sẽ áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Tuy nhiên, trong thời gian tới, NHNN sẽ linh hoạt trong điều hành. Thực tế hiện nay cho thấy, gửi tiết kiệm bằng VND vẫn có lợi hơn ngoại tệ khi lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, trong khi gửi tiền đồng, khách hàng vẫn được hưởng mức 5,5-7%/năm.
Giữ VND vẫn có lợi
Trong bối cảnh lãi suất ngoại tệ còn 0%/năm, giá vàng giảm và chứng khoán chưa thực sự khởi sắc, gửi tiết kiệm tiền đồng được cho là có lợi. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT VGB cho rằng, hiện nay, gửi tiết kiệm VND vẫn là lựa chọn đúng. Bên cạnh đó, khách hàng vẫn có thể xem xét mua một ít vàng khi giá kim loại quý này đang thấp.
Các chuyên gia tài chính vẫn tin rằng, ở Việt Nam, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Năm 2014, lạm phát chỉ tăng 1,84% và trong năm nay vào khoảng 1%. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới của Chính phủ, giá trị VND sẽ ổn định.
Tuy nhiên, trước thông tin về việc hướng tới thu phí khi gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc giảm lãi suất tiết kiệm USD về 0%/năm và tiến tới việc thu phí sẽ hạn chế dòng vốn nhàn rỗi bằng ngoại tệ chảy vào ngân hàng, không loại trừ cả nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam.
Tuy nhiên, trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, trong những năm qua, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam được nhận và bán lại cho ngân hàng chỉ chiếm 30-31%. Phần còn lại được khách hàng sử dụng cho việc gửi tiết kiệm, sản xuất - kinh doanh và một phần nhỏ chuyển đổi sang VND để tiêu dùng. Vì vậy, theo ông Minh, với chính sách giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%/năm và hướng tới việc thu phí, nhiều khả năng khách hàng nhận kiều hối sẽ chuyển đổi sang VND nhiều hơn để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao.
Như vậy, việc hạ lãi suất gửi ngoại tệ và tiến tới thu phí sẽ không ảnh hưởng tới nguồn kiều hối cũng như cung ngoại tệ trên thị trường. Bởi ngoài kiều hối, dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam vẫn khá dồi dào. Trong khi, cầu về ngoại tệ có nhưng không phải DN nào cũng được vay vốn bằng ngoại tệ. Nhận định về cung - cầu ngoại tệ trên thị trường những tháng cuối năm, ông Minh cho hay, không có áp lực từ cầu lên cung. Cầu ngoại tệ thanh toán vẫn được đáp ứng đủ.
Bài toán đặt ra đối với NHNN hiện nay là vừa ổn định tỷ giá và lãi suất tiền đồng, song vẫn đảm bảo sự hấp dẫn để tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ. Hiện NHNN đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới một cơ chế điều hành tỷ giá mới. Theo đó, tỷ giá trung tâm sẽ thay đổi thường xuyên, thậm chí hằng ngày. Khi đó, chỉ những đối tượng có nhu cầu thật mới mua ngoại tệ, nếu đầu cơ thì nguy cơ thua lỗ, rủi ro rất lớn.
Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra dự báo, năm 2016, tỷ giá sẽ chịu sức ép phần nào mạnh hơn năm 2015. Theo đó, năm 2016, lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 vẫn có dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản, cũng như tỷ giá. Trong đó, đối với tỷ giá, ủy ban này ước tính 1% tăng lên của tỷ giá làm tăng lạm phát thêm 0,06-0,1 điểm phần trăm; mức tác động này thấp hơn ở thời kỳ lạm phát cao khi tâm lý của người dân thiếu ổn định.
Dự báo về tỷ giá của Ủy ban căn cứ trên cán cân cân đối ngoại tệ. Trong đó, cán cân thanh toán sẽ có một số thuận lợi. Vốn FDI giải ngân dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước tính năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016; đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016. Bên cạnh đó, kiều hối dự báo tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016, cao hơn mức 13 tỷ USD trong năm 2015 và kế hoạch của Chính phủ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán như nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu. Bên cạnh đó, xu hướng mất giá so với USD của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
CEO Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng: Chất lượng là máu, uy tín là ôxy
-
Cần giám định lại kẻ chủ mưu truyền HIV con tình địch
-
Cập nhật dịch Covid-19 ngày 14-6: Thêm 43,2 nghìn người được tiêm chủng
-
Quyết tâm lớn để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số quốc gia
-
Giảm giá xăng, tăng giá dầu từ 15 giờ chiều nay
-
Giá USD hôm nay 22/11
-
Địa ốc bắt tay nhau thu gom quỹ đất
-
Tại sao nên lựa chọn xe điện bệnh viện làm quà tặng?
-
Giận dữ mang thi thể nạn nhân đặt giữa nhà nghi phạm
-
Genco 3 tiên phong cổ phần hóa