Ngân hàng "bộn" việc phải lo

Tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 mà Chính phủ ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vào các đầu mục việc như: duy trì lãi suất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ. Trọng trách thêm nặng trong bối cảnh ngành này “bộn” việc phải lo.

Ngân hàng

Ngân hàng đang nặng gánh lo toan. 

Ra đề bài cho NHNN

Tại Nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; Đặc biệt, NHNN cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển, trình Chính phủ trong quý III/2016.

Cùng với đó, Chính phủ ra “đề bài” cho NHNN khi phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Đồng thời, chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Điểm nhấn quan trọng đó là thị trường ngoại tệ. Theo đó, Nghị quyết Chính phủ đã yêu cầu NHNN cần thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp. Xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Nặng gánh lo

Tại cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng và Doanh nghiệp, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI từng đề cập đến “gánh nặng” doanh nghiệp đang phải lo như: liên quan đến chi phí vốn, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Ông Lộc tính toán, như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra thực trạng: DN trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ.

Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Ông Vũ Tiến Lộc tại Hội nghịđối thoại Thủ tướng và DN

Nhìn nhận về công việc điều hành của NHNN thời điểm này, hầu hết những người trong cuộc đều thừa nhận, hiện có quá nhiều trọng trách đang đặt lên vai bộ ngành này. Những đầu mục việc đang bộn bề trong chính hệ thống có thể kể ra như: quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng mới chỉ đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển nhưng còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu bảo đảm một hệ thống an toàn, hiệu quả bền vững.

Ngoài ra, tiếng than của giới doanh nhân về lãi suất cho vay vẫn quá tầm với của doanh nghiệp sẽ khiến NHNN dù muốn hay không đứng trước sức ép cần giảm lãi suất trong bối cảnh bài toán lãi suất sẽ tiếp tục là gánh nặng khi mỗi ngày vẫn bào mòn lợi nhuận ngân hàng.

Điểm nhấn nữa là về tỷ giá. Hiện, tỷ giá của thị trường trong nước vẫn chịu nhiều tác động từ bên ngoài, giống như từng xảy ra trong năm 2015. Diễn biến kinh tế thế giới năm nay, nếu không có sự chủ động linh hoạt và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ban ngành thì tâm lý nặng nề sẽ không được giải tỏa, dẫn đến điều hành sẽ khó khăn.

Một thách thức cũng đang chờ đợi đó là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2. Toàn bộ hệ thống sẽ phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình và xử lý nợ xấu theo các Đề án đã được Chính phủ thông qua, tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Làm thế nào để hệ thống ngân hàng còn non trẻ của Việt Nam cạnh tranh được với các ngân hàng toàn cầu và khu vực…

Nguồn 24h