Người dẫn đường và quyền được biết của người dân

Ảnh minh họa.

Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê-kíp, tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh. Vấn đề là, làm sao để người dân biết và hiểu đúng về những người sẽ được lựa chọn.

Trong tiến trình đi lên văn minh của đất nước, một biểu hiện minh bạch được đánh giá cao nhất, chính là quyền được biết của người dân. Sự tương tác hữu cơ được hình thành giữa hai khái niệm chính quyền “của dân, do dân, vì dân” và hoạt động “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Để thúc đẩy yếu tố tích cực và đẩy lùi yếu tố tiêu cực, cuộc đấu tranh nội bộ phê bình và tự phê bình vẫn rất cần đến tai mắt của người dân. Không có cái tốt nào không được người dân ghi nhận, và cũng không có cái xấu nào che giấu được người dân. Vì vậy, quyền được biết của dân càng mở rộng, hiệu quả giám sát xã hội và quản lý xã hội càng thu được nhiều kết quả như ý.

Không có thước đo nào cho sự phát triển của cộng đồng, bằng mức độ hài lòng của người dân. Không ít người ái ngại về tâm lý đám đông khi hình dung phản ứng của người dân. Thế nhưng, sự lương thiện và sự nhẫn nại của người dân luôn tạo ra sức mạnh thần kỳ cho mỗi chặng đường lịch sử. Đó là lý do để câu nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” vẫn có giá trị tồn tại từ trong bom đạn khói lửa đến hòa bình hội nhập quốc tế. Vì vậy, công khai cho người dân được biết, sẽ góp phần quan trọng để thực hiện trọn vẹn mọi chiến lược xây dựng và bảo vệ non sông.

Bất kỳ tập thể nào cũng cần có cá nhân dẫn dắt. Nói cách khác, vai trò của lãnh đạo bao giờ cũng được nhấn mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, để người dân chọn được lãnh đạo sáng suốt và tin cậy, những thông tin xung quanh ứng viên phải cung cấp thật đầy đủ và thật rõ ràng. Từ khi có mạng xã hội, trách nhiệm của người lãnh đạo càng được giám sát chặt chẽ hơn. Có không ít lãnh đạo đã thể hiện trách nhiệm bằng cách lắng nghe ý kiến của dư luận để chấn chỉnh công tác điều hành lẫn công tác tham mưu. Cần xác định, lãnh đạo là một nghề đặc biệt. Không chỉ đòi hỏi có tâm, có tầm, có tài, nghề lãnh đạo còn đòi hỏi sự cống hiến, sự hy sinh. Nếu chạy chọt để leo lên làm lãnh đạo nhằm mưu cầu vật chất, sớm muộn cũng trả giá cay đắng trước ánh sáng của công lý, ánh sáng của sự thật, ánh sáng của lương tri. Trách nhiệm của lãnh đạo chính là sự tự trọng với chức vụ mình đang gánh vác. Chức vụ dẫu lớn dẫu nhỏ cũng phải đồng hành với sự tự trọng: tự trọng trước chính mình, tự trọng trước đồng nghiệp, tự trọng trước quần chúng. Một khi sự tự trọng biến mất, tai ương sẽ kéo đến với nhiều bẽ bàng, nhiều ngậm ngùi, nhiều đớn đau.

Mỗi người đều có những bí mật không muốn chia sẻ, đó cũng là quyền riêng tư đáng được tôn trọng. Thế nhưng, cần phải phân định rành mạch, những thông tin liên quan đến đời sống cá nhân và những thông tin liên quan đến lợi ích xã hội. Một khi cá nhân đã dấn thân vào sứ mệnh lãnh đạo cho tập thể, không được phép đánh đồng hai mảng thông tin trên. Bởi lẽ, sự sòng phẳng về thông tin ứng viên lãnh đạo, cũng ít nhiều nói lên sự chân thành và sự cống hiến của một con người đang chấp nhận hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung. Nếu một người không dám nói với cử tri về nguồn gốc tài sản mình đang có, làm sao có thể cùng cử tri vun đắp tài sản cho quê hương? Nếu một người không dám nói với cử tri về khuyết điểm mình đang cố gắng khắc phục, làm sao có thể cùng cử tri kiếm tìm ưu điểm hùng mạnh cho đất nước?

Không có cái mặt nạ nghiêm trang hoặc đạo mạo nào người dẫn đường có thể trưng trổ trước tập thể trong sáng và nhiệt tình. Người dẫn đường chỉ có thể thuyết phục tập thể bằng tài năng, tâm huyết và tận tụy. Vì vậy, chia sẻ thông tin thật tử tế với tập thể, luôn là khởi đầu thiết yếu của người dẫn đường đàng hoàng. Trong một thế giới đang đặt ra nhiều thách thức, vai trò của người dẫn đường càng phải được củng cố hơn. Những cá nhân được quy hoạch để làm lãnh đạo đang gặp không ít bỡ ngỡ trước thời đại công nghệ số. Dư luận không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng nếu triệt tiêu tinh thần phản biện sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Người dẫn đường hôm nay nhất định phải thấu hiểu điều ấy một cách cơ bản nhất. Để quá trình “Đảng cử, dân bầu” không có những lá phiếu lầm lạc, ứng viên lãnh đạo không được phép áp dụng thứ chiêu trò “ngậm miệng ăn tiền”.

Mỗi vị trí lãnh đạo đòi hỏi một khả năng, và mỗi lĩnh vực công tác lại đòi hỏi một tiêu chí. Thế nhưng, quyền được biết của người dân không thể có giới hạn nào. Đã qua rồi cái thời những người làm lãnh đạo có thể hứa hẹn và lấp liếm tinh ranh. Người dân sẽ rất nhanh chóng nhận ra chân tướng những người nhân danh điều cao cả để làm điều thấp hèn. Và người dân cũng thừa trí tuệ để kiểm chứng những hành vi ăn gian làm dối. Do vậy, ứng xử khôn ngoan ở chốn quan trường là thái độ thật thà với quần chúng. Đừng nghĩ lưỡi không xương một tấc ắt đến… trời.

Quyền được biết của người dân là đòn bẩy của ổn định và thịnh vượng cho xã hội. Đã đến lúc những ứng viên muốn làm người dẫn đường của tập thể phải trình bày chương trình hành động cụ thể của mình trong các cuộc tranh cử. Thông qua chương trình hành động của từng ứng viên, người dân sẽ đánh giá trình độ và tấm lòng mỗi cá nhân lãnh đạo. Và quan trọng hơn, thông qua chương trình hành động cụ thể, ứng viên mới chứng minh được bản lĩnh làm người dẫn đường cho tập thể. Những câu giao đãi chung chung, những câu hô hào sáo rỗng, sẽ không có giá trị với khát vọng vươn xa của cộng đồng và mỗi người dân đang chờ đợi và hy vọng.

Chương trình hành động cụ thể không những hiển lộ “tâm” và “tầm” của cá nhân lãnh đạo khi ứng cử hay khi tranh cử, mà cũng trở thành hồ sơ lưu trữ để người dân theo dõi và kiểm tra hiệu quả quản lý xã hội. Nếu chương trình hành động của cá nhân lãnh đạo chỉ giống cái “bánh vẽ”, lá phiếu khách quan và khắt khe từ phía người dân sẽ được sử dụng thông minh và đích đáng.


Nguồn: Báo SGĐT