Ông nghị Eric Cantor đổi nghề về làm CEO Moelis

Ngày 2/9/2014, Moelis & Company, một ngân hàng đầu tư của Mỹ đã chính thức thông báo ông Eric Cantor, 51 tuổi, nguyên hạ nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa đã chính thức được bổ nhiệm vào chức Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO).

Ông nghị Eric Cantor đổi nghề về làm CEO Moelis

Ông Eric Cantor là hạ nghị sỹ của Đảng Cộng hòa trong suốt 13 năm qua (từ năm 2001 đến tháng 6/2014) và trong vài năm gần đây, là thủ lĩnh của các hạ nghị sỹ Đảng Cộng hoà tại Hạ viện Mỹ. Tháng 6/2014, ông đã thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Virginia (thua đối thủ là ông Dave Brat, giáo sư kinh tế học), nên ngày 18/8 vừa qua, ông đã chính thức rời khỏi nghị trường.

Như vậy, sau khi nếm mùi thất bại trên chính trường, ông Eric Cantor đã quyết định chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân.

Chưa biết ông sẽ thành công trên cương vị mới đến mức độ nào, song sự cải thiện đáng kể về thu nhập là điều nhìn thấy đầu tiên. Về làm CEO Moelis, ông được trả lương cứng là 400.000 USD/năm (cao gấp 2 lần lương hạ nghị sỹ là 193.400 USD/năm). Ngoài ra, ông còn có thể được thưởng 400.000 tiền thưởng bằng tiền mặt và khoảng 1 triệu USD bằng cổ phiếu (tuỳ vào kết quả kinh doanh). Tức là một năm, ông có thu nhập khoảng 1,8 triệu USD, cao gấp gần 10 lần so với lương của một hạ nghị sỹ.

Moelis là ngân hàng đầu tư khá nhỏ (so với chuẩn mực của Mỹ), chỉ với 500 nhân việc làm việc tại 15 văn phòng ở Mỹ và một số nước. Doanh thu năm 2013 của Moelis là 411 triệu USD, lợi nhuận thuần chỉ đạt 70 triệu USD. Giá trị vốn hóa thị trường của Moelis cũng khá khiêm tốn, chỉ vào khoảng 2 tỷ USD.

Được thành lập năm 2007, Moelis đã thực hiện thành công IPO vào tháng 4 năm nay, huy động được 163 triệu USD. Đây là cuộc IPO đầu tiên được một ngân hàng đầu tư thực hiện kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008.

Ông Ken Moelis, 55 tuổi, người sáng lập ra Moelis, hiện là Chủ tịch Moelis và là người trực tiếp ký hợp đồng thuê ông Eric Cantor cho biết: “Trên vai trò mới của mình, ông Eric Cantor sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn về mặt chiến lược cho các khách hàng là doanh nghiệp hoặc tổ chức. Ông cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển mạng lưới khách hàng và tư vấn cho khách hàng về những vấn đề mang tính chiến lược”.

Việc ông Eric Cantor thất thế trên chính trường lại tìm được bến đỗ mới tưởng chừng chẳng có gì đáng nói nhiều. Thế mà báo chí, dư luận Mỹ cũng có không ít ý kiến trái chiều.

Một luồng ý kiến cho rằng, ông Eric Cantor được Moelis tuyển dụng nhằm khai thác các mối quan hệ sẵn có của ông và chủ yếu phục vụ công việc “lobby” là chính. Luật sư nổi tiếng chuyên về doanh nghiệp Dennis Kelleher nhận xét: “Bạn hãy nhìn vào sơ yếu lý lịch (CV) của ông Eric Cantor mà xem, ông làm gì có kinh nghiệm về ngân hàng đầu tư, thị trường vốn. Thế mà Moelis cố tình mời ông về lãnh đạo. Thật tôi không thể hiểu nổi!”.

Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Massachusetts, bà Elizabeth Warren thì nhận xét: “Dù không có chuyện xung đột về lợi ích, song theo tôi, ông Eric Cantor nên tìm một công việc gì đó không dính dáng đến kinh doanh thì thuận và tốt hơn nhiều”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không ít nhân vật “tai to mặt lớn” hơn ông Eric Cantor, sau khi rời chính trường cũng làm việc cho các tập đoàn tài chính – ngân hàng nổi tiếng hơn, có lương bổng cao hơn nhiều. Chẳng hạn, như các ông Bill Daley, Tim Geithner…

Ông Bill Daley đã từng là Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Bill Clinton và là Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã làm cho J.P. Morgan Chase & Co. một thời gian, với mức lương, tiền thưởng tới 8,7 triệu USD/năm. Hiện ông này là Giám đốc Chi nhánh tại Mỹ của Argentiere Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Thuỵ Sỹ.

Ông Tim Geithner, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng đã gia nhập đội ngũ Warburg Pincus, quỹ đầu tư tư nhân lớn của Mỹ với mức lương còn cao hơn.

Sự việc của ông Eric Cantor ít nhiều đã bị lu mờ, sau khi vào sáng ngày 4/9, các hãng thông tấn đều đưa tin, tỷ phú Michael Bloomberg sắp trở lại lãnh đạo Bloomberg vào cuối năm nay.

Được biết, sau khi rời chức Thị trưởng New York từ tháng 12 năm ngoái (sau 12 năm trị vì), ông này đã từng tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” rằng, sẽ nghỉ hưu, chỉ làm từ thiện chứ không làm bất cứ việc gì khác, kể cả quay về lãnh đạo Bloomberg (do chính ông sáng lập vào năm 1981 và hiện nắm 88% cổ phần). Ông giàu “nứt đổ đổ vách”, có tổng tài sản ước tới hơn 32 tỷ USD (theo Forbes), nên không cần kiếm tiền. Vậy mà nay, ông lại quên lời hứa trước đó, khiến ông Daniel Doctoroff, Chủ tịch kiêm CEO Bloomberg đương nhiệm phải tự nguyện viết đơn xin từ chức để dọn đường cho ông quay lại.

Thế mới biết, sau khi rời bỏ chính trường, nhiều chính khách Mỹ vẫn rất tham công, tiếc việc.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

{fcomment}