Phạt lãi trên lãi: ngân hàng chưa hiểu đúng?

 Trong hầu hết các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, phía ngân hàng đều yêu cầu lãi phạt chậm trả nhưng không nhiều trường hợp được chấp nhận.

Phạt lãi trên lãi: ngân hàng chưa hiểu đúng?

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Làm ăn thua lỗ, công ty không thanh toán được khoản vay nợ, do đó, ngân hàng đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc doanh nghiệp phải thanh toán nợ gốc 12,6 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 400 triệu đồng, lãi quá hạn là hơn 11 tỷ đồng và lãi phạt chậm trả là 405 triệu đồng.

Tòa cấp sơ thẩm tuyên đồng ý phần lãi trong hạn, quá hạn và bác bỏ khoản lãi phạt chậm trả. Ngân hàng tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm yêu cầu Tòa án tuyên buộc doanh nghiệp phải trả khoản phạt chậm trả. Theo ngân hàng, đây là thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên.

Một trường hợp khác, ngân hàng cho cá nhân vay tiền và hợp đồng tín dụng có quy định khoản lãi phạt chậm trả. Tòa sơ thẩm đã đồng ý song cấp phúc thẩm nhận định khoản phạt này là không phù hợp.

Trong các vụ tranh chấp tương tự, ngân hàng viện dẫn quy định tại Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN cho rằng pháp luật cho phép áp dụng đồng thời lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt chậm thanh toán. Theo đó, Khoản 4, Điều 1, Quyết định 127 quy định: “Đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn… việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, quan điểm này của ngân hàng không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Trong một phiên tòa, thẩm phán chủ tọa từng nhận xét rằng, phía ngân hàng không nhìn nhận vấn đề tổng thể dẫn đến thỏa thuận không chuẩn xác. Bộ luật Dân sự chỉ quy định lãi trong hạn và lãi quá hạn được tính bằng 150% lãi trong hạn. Và lãi này được coi là phạt.

“Phạt chậm trả được coi là lãi trên lãi và pháp luật không cho phép điều này. Ngân hàng cần áp dụng luật cho đúng”, vị thẩm phán này nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Bross và Cộng sự), trong tranh chấp tín dụng, thường có 3 khái niệm được đề cập gồm phạt vi phạm hợp đồng, lãi quá hạn và lãi phạt chậm trả.

Về lãi quá hạn, Điều 11 Quy chế cho vay 1627/2001/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do ngân hàng thỏa thuận hoặc ấn định với khách hàng, nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn. Thông thường, khi khoản vay quá hạn, ngân hàng đều áp dụng mức cao nhất, theo đó, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

Bên cạnh đó, khi khoản nợ quá hạn, khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo cam kết trong hợp đồng, ngân hàng có quyền phạt vi phạm hợp đồng. Luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng phạt vi phạm hợp đồng không phải là tiền lãi mà là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận và không quá 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm (theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại).

Tuy nhiên, các hợp đồng tín dụng thường không có quy định về phạt vi phạm hợp đồng. Nếu trong hợp đồng tín dụng có quy định: “Trường hợp, khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngoài việc phải trả nợ gốc, lãi phát sinh thì còn phải chịu phạt vi phạm hợp đồng”, thì đương nhiên ngân hàng được quyền đưa ra yêu cầu.

Về lãi phạt chậm trả, luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng, ngân hàng đang nhầm lẫn khái niệm. Theo Quy chế 1627 về cho vay của các tổ chức tín dụng thì đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật (Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 127). Như vậy, pháp luật không có quy định cho áp dụng lãi phạt chậm trả độc lập với lãi quá hạn, mà quy định cho phép áp dụng phạt chậm trả tương ứng với quy định về phạt vi phạm hợp đồng.

Khi cho vay, ngân hàng được quyền áp dụng lãi trong hạn (chỉ áp dụng trong thời hạn vay) và lãi quá hạn (khi đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hạn quy định) và không cho phép áp dụng thêm một loại lãi nào khác trùng với thời gian đã áp dụng 1 trong 2 loại lãi nói trên. Còn phạt vi phạm là một hình thức chế tài áp dụng đối với một trong các bên vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Nhiều trường hợp, các ngân hàng hiểu nhầm phạt vi phạm với lãi phạt chậm thanh toán là không chính xác và tòa án bác yêu cầu do lãi chồng lãi là có cơ sở.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán