Phố Wall đi lên trong phiên giao dịch ngày 27/5, S&P vượt ngưỡng 3.000 điểm

Thị trường chứng khoán Phố Wall đi lên. Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong phiên giao dịch ngày 27/5, với chỉ số S&P 500 đóng cửa trên ngưỡng 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 5/3, giữa bối cảnh lệnh phong tỏa xã hội tại Mỹ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 đang dần được nới lỏng mang lại thêm sự lạc quan cho giới đầu tư về khả năng phục hồi kinh tế. Thông tin về việc Mỹ có thể sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích mới để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế cũng góp phần mang lại sắc xanh cho thị trường.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 553,16 điểm (2,21%), lên 25.548,27 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 44,36 điểm (1,48%), lên 3.036,13 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 72,14 điểm (0,77%), đóng cửa ở mức 9.412,36 điểm.

Nhóm các cổ phiếu lĩnh vực tài chính thuộc chỉ số S&P 500 dẫn đầu đà tăng của Phố Wall trong phiên này. Điều đó giúp chỉ số S&P 500 tăng gần 10% trong hai phiên giao dịch vừa qua, ghi dấu mức tăng liền trong hai ngày mạnh nhất kể từ ngày 8-9/4/2020.

Mặc dù vậy, khi các nhà đầu tư quay trở lại với các cổ phiếu theo chu kỳ, sự phục hồi dài hạn của cổ phiếu các hãng công nghệ lớn đã chững lại. Theo đó, cổ phiếu của Netflix đã giảm vào đầu phiên giao dịch, trước khi phục hồi vào cuối phiên, cổ phiếu Amazon cũng giảm 0,5%. Cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học cũng giảm mạnh bất chấp những tín hiệu lạc quan về việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 hồi tuần trước. Cổ phiếu Moderna đã giảm tới 11%, trong khi đó cổ phiếu Inovio Pharmarceuticals cũng giảm 9,6%.

Việc chính quyền các bang tại Mỹ đang từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa xã hội, cũng như những thông tin lạc quan về việc phát triển vắc-xin ngừa dịch COVID-19 và các gói kích thích kinh tế lớn của Chính phủ đã giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trong vài phiên gần đây.

Các tin tức tại Mỹ cho biết Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang cân nhắc thực hiện thêm các biện pháp kích thích để giảm bớt tác động của tỷ lệ thất nghiệp cao trong lịch sử đối với nền kinh tế, như việc đưa ra các đề xuất cung cấp các ưu đãi bằng tiền mặt để khuyến khích người lao động thất nghiệp quay trở lại làm việc. Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ bắt đầu “mạo hiểm” khi sẵn sàng tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội và chi tiêu trở lại. Tỷ lệ đặt nhà hàng, khách sạn và vé máy bay bắt đầu có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung liên quan tới vấn đề Hong Kong vẫn gây áp lực lên thị trường.

Cũng trong ngày 27/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố sách Be, qua đó cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục chịu tổn thương bởi tác động của đại dịch COVID-19 cho đến giữa tháng Năm.

Còn tại Việt Nam, khép lại phiên giao dịch 27/5, chỉ số VN-Index giảm 11,65 điểm (1,34%) xuống 869,13 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index cũng mất 1,45% (1,6 điểm) xuống 108,89 điểm./.


Nguồn: Báo Bnews