Quyết toán thuế: Doanh nghiệp "kêu" gặp nhiều vướng mắc

Nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2014, nhưng khi thực thi, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc, nhất là về những ưu đãi.

Quyết toán thuế: Doanh nghiệp

Sáng 25/11, EY Việt Nam và CLB Giám đốc Tài chính Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Thuế 2014.

Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chủ nhiệm CLB Giám đốc tài chính Việt Nam đánh giá, đây là cơ hội trao đổi đáng quý đối với khối lãnh đạo tài chính khi mùa quyết toán thuế năm 2014 đang đến gần.

Hoạt động thường niên vào cuối năm này nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các thành viên của CLB, vốn là các Giám đốc tài chính, các lãnh đạo doanh nghiệp, các kế toán trưởng trao đổi, chia sẻ và rút kinh nghiệm trong việc thực thi các chính sách mới về thuế trong năm của cơ quan quản lý.

Đồng thời, doanh nghiệp có cơ hội để phản ánh vướng mắc, đề xuất cơ chế giải quyết tới nhà quản lý khi ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tham gia trao đổi với các doanh nghiệp.

Bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam phụ trách về Thuế cho hay, năm 2014, nhà quản lý đã có hàng loạt chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, ưu đãi thuế với đầu tư…

Tuy nhiên, trên thực tế, khi thực thi các chính sách này, doanh nghiệp gặp vướng rất nhiều. Chẳng hạn, Nghị quyết 63 quy định, với doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN giai đoạn 2009 - 2013 mà có đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thì phần thu nhập tăng thêm vẫn được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Nhưng đến Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thuế thì đối với dự án phân kỳ đầu tư và dự án trang bị bổ sung máy móc thường xuyên được hưởng ưu đãi thuế theo mức ưu đãi đang áp dụng đối với dự án đầu tư lần đầu; đối với dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1/1/2014, thì ưu đãi thuế được hưởng cho thời gian ưu đãi còn lại được tính từ ngày 1/1/2014.

Như vậy, cơ bản, các dự án đầu tư giai đoạn 2009 - 2013 thì thời gian ưu đãi không còn lại bao nhiêu.

Một vấn đề khác doanh nghiệp cũng gặp vướng là thời điểm xác định ưu đãi. Thông thường, khi doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thì chỉ có một phần vốn pháp định, phần lớn hơn là vốn đi vay. Tuy nhiên, do vay vốn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chờ công ty mẹ rót vốn và phần vốn này là vốn pháp định. Như vậy, cơ quan quản lý không thừa nhận đây là đầu tư mới mà cho rằng đây là đầu tư mở rộng và không được ưu đãi cho phần vốn pháp định tăng thêm trong giai đoạn đó.

Ghi nhận từ EY, có trường hợp doanh nghiệp vào năm 2007 đã đăng ký vốn đầu tư dự án là 5 triệu USD, nhưng khoản tiền này doanh nghiệp không thể giải ngân một lần, mà giải ngân dần dần. Thế nhưng, bất cứ khoản nào giải ngân sau năm 2009, nhà quản lý đều coi là đầu tư mở rộng.

Đến nay, cơ quan thuế vẫn cho rằng, mỗi lần mua sắm tài sản cố định dù tài chính từ nguồn nào, thì vẫn là đầu tư mở rộng và không được ưu đãi thuế. “Đây là một quan điểm rất vô lý bởi khấu hao thực chất là chi phí thế nhưng đến nay cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa thuyết phục được nhà quản lý”, bà Hương Vũ nói.

Một ví dụ khác là thuế nhà thầu, khi nhập khẩu thiết bị máy móc có điều kiện bảo hành. Đây là cam kết bảo hành của bên bán hàng, không phải dịch vụ bảo hành, nhưng cơ quan thuế vẫn tính 1% thuế nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều này là không hợp lý.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}