Nợ xấu vẫn tiếp tục thách thức ngành ngân hàng

 Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 8 tháng đầu năm 2014 và định hướng trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra cuối tuần trước, nợ xấu vẫn là vấn đề tâm điểm của ngành.  

Nợ xấu vẫn tiếp tục thách thức ngành ngân hàng

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2014 là 4,17%, tăng so với cuối năm 2013. Nợ xấu tăng do sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Theo bà Hồng, dù Thông tư 09/2014 của NHNN cho phép các TCTD tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho tới hết 31/3/2015, nhưng quy định lại chặt chẽ hơn rất nhiều. Cụ thể, các TCTD phải đảm bảo kiểm tra, kiểm soát quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, báo cáo NHNN với những trường hợp cần thiết...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chia sẻ, đến thời điểm này, VAMC đã mua được gần 59.000 tỷ đồng nợ xấu của 35 TCTD, với 3.536 khoản nợ, giá trị mua là 48.976 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua được 19.630 tỷ đồng nợ xấu và tổng số trái phiếu đặc biệt đã phát hành là 42.966 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm, tốc độ mua nợ xấu có phần chậm hơn, nhưng VAMC đang mua nợ xấu theo đúng kế hoạch, phấn đấu đến cuối năm mua được 70.000 tỷ đồng nợ xấu.

“VAMC không chỉ mua nợ để bán, mà còn để phân tích các khoản nợ, xem xét xem khách hàng nào có khả năng sản xuất - kinh doanh thì cho vay vốn trả nợ cũ, nợ mới. Việc VAMC đề nghị tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo vị thế tài chính, mua bán nợ xấu và thực hiện các nghiệp vụ khác… Tuy nhiên, thị trường không nên kỳ vọng quá nhiều vào VAMC, bởi đây không phải cây đũa thần mà là một công cụ xử lý nợ xấu hữu hiệu phù hợp với đặc thù của Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo, NHNN đã công bố kết quả thực hiện Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và Báo cáo đánh giá khu vực tài chính (FSA) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khởi xướng. Mặc dù Báo cáo đã chỉ ra các yếu tố dễ bị tổn thương của khu vực tài chính Việt Nam đến tháng 12/2012, nhưng nhiều vấn đề trong báo cáo vẫn mang tính thời sự.

Theo đó, FSA nhận định hiệu quả của chiến lược xử lý nợ xấu còn chưa rõ ràng và có thể cần phải có cách tiếp cận đa chiều, chủ động. Cụ thể, việc xử lý nợ xấu qua VAMC sẽ phụ thuộc vào sức hấp dẫn của VAMC đối với các ngân hàng và tính chủ động của VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Thiết kế của VAMC đòi hỏi các ngân hàng phải trích dự phòng 20%/năm cho các trái phiếu của VAMC, mà không được tính vào tài sản sinh lời (trái phiếu VAMC được dùng mua nợ xấu có lãi suất cuống phiếu bằng 0%). Việc sử dụng trái phiếu VAMC để tiếp cận thanh khoản có thể chỉ được một số ít ngân hàng đang gặp khó khăn nghiêm trọng hơn về thanh khoản quan tâm.

“Thêm vào đó, nếu các tài sản này được chuyển nhượng và lưu kho, mà không có sự quản lý hoặc giải quyết một cách chủ động thì chúng sẽ thực sự mất giá trị theo thời gian. Trong bất kỳ trường hợp nào, VAMC sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu”, Báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, Báo cáo cho rằng, các cơ quan chức năng có thể cần phải xem xét thông qua áp dụng phương pháp tái cơ cấu đa chiều với 4 cấu phần chính có liên quan mật thiết như sau: Thứ nhất, tòa án giám sát trình tự tiến độ phá sản để giải quyết nợ xấu của các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cấu phần này được thực hiện hiệu quả, cần phải xem xét lại cơ chế phá sản DN để hỗ trợ quá trình tái thiết và thanh lý chính thức. Thứ hai, tái cơ cấu với hệ thống ngân hàng là nòng cốt, cần đi cùng với cơ sở pháp lý cho phép các chủ nợ được triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn. Cơ sở pháp lý chỉ cần quy định về mặt nguyên tắc đối với nội dung liên quan đến thủ tục tự thỏa thuận được áp dụng và nội dung đàm phán, trong khi giao quyền tự quyết tối đa cho các bên tham gia thỏa thuận tự dàn xếp.

Thứ ba, VAMC là đơn vị chính trong việc giải quyết nợ/tài sản xấu, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Thứ tư, cơ chế tái cơ cấu hành chính đặc biệt, được sử dụng một cách hạn chế trong các trường hợp toàn bộ hoặc hầu hết số nợ của một DN Nhà nước đều tập trung tại các NHTM Nhà nước. Chính phủ có thể áp dụng biện pháp hành chính để giải quyết khối lượng nợ xấu này cùng với kế hoạch tái cơ cấu cụ thể đối với các DN Nhà nước.

“Tuy nhiên, để loại bỏ những trở ngại khác trong việc xử lý tự nguyện, cần phải thực hiện các cải cách pháp lý”, Báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo cho rằng, kiểm toán tài chính đặc biệt đối với các ngân hàng sẽ cho kết quả chính xác về nợ xấu, nhu cầu cấp vốn bổ sung và thông tin quan trọng để xây dựng đề án xử lý nợ. Kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tài cấu trúc các NHTM Nhà nước. Xác định được các hình thức sở hữu chéo chủ yếu giữa các ngân hàng và khách hàng cho phép giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách…

Nhuệ Mẫn

{fcomment}