Sadec District: Cái nhìn hiện đại về thủ công mỹ nghệ

Sadec District (số 3 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) là một không gian văn hóa mới dành cho những người ưa thích khám phá về thủ công mỹ nghệ qua những đồ vật nhỏ xinh mang phong cách truyền thống của những làng nghề dọc sông Mê Kông.

Những người sáng lập, gồm các nhà nhiếp ảnh, họa sĩ (Từ Phương Thảo, Hải Đông, BB Thanh Loan), đã khảo sát Sa Đéc xem đây là điểm đầu của dòng sáng tạo gốm và những sản phẩm làm bằng tay bên dòng Mê Kông do đó đặt cho sân chơi mới của mình cái tên: Sadec District!

Khởi hành từ Sa Đéc, nơi có những lò đại diện dòng gốm thủ công miền Nam, ngược theo dòng Mê Kông tìm qua đất Thái Lan, Campuchia, Lào tìm kiếm dòng gốm của khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia... Và như vậy, một không gian gốm và hàng thủ công mỹ nghệ có tính ứng dụng cao với cuộc sống hiện đại đã được các họa sĩ và nhà nhiếp ảnh lựa chọn bằng cảm quan riêng, đưa về phục vụ người sành điệu Sài Gòn.

Ngoài việc lựa chọn sản phẩm, những người sáng lập Sadec District còn cố gắng sắp đặt để không chỉ tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật của các dòng gốm đặc biệt, mà còn tạo ra những gợi ý ứng dụng cho người sử dụng đồ thủ công trong mỗi không gian gia đình.

Những chiếc đĩa gốm mang trên mình sớ vải jean quyến rũ sản xuất tại Campuchia, bởi nhóm nghệ nhân đến từ Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và những người thợ gốm bản địa lành nghề. Họ kế thừa kỹ thuật làm gốm truyền thống Ondong Rossey (làng gốm cổ Mương Tre) ở tỉnh Kompong Chhnang, Campuchia, từng sản phẩm gốm đều được làm bằng tay qua tất cả các công đoạn, nên mỗi mẫu đều mang tính độc bản.

 

Một góc tại không gian thủ công của Sadec District

Một dòng gốm khác tạo linh hồn ở Sadec District là: gốm Amai! Đây là sáng tạo của Irid Ploem và Ina Stas ,một cặp nghệ nhân người Bỉ và Hà Lan đã đến TP.HCM cách đây 5 năm.

 

Với niềm đam mê thiết kế, màu sắc, bố cục, cả hai đã quyết định đóng góp cho mảnh đất này một dòng sản phẩm dành cho gia đình có tên Amai, bao gồm đồ gốm và kim loại như những cái tô đựng rau trộn, thố đựng cơm, chén đựng nước xốt, nước mắm.

Có rất nhiều điều đặc biệt ở gốm Amai: bề mặt được tạo bởi những đường gấp khúc, tạo nên các mặt phẳng và vệt lồi lõm không đồng nhất, như những tờ giấy được vò nhẹ trong tay, ngẫu hứng và bay bổng. Cốt gốm có màu sắc tương đồng với màu men.

Ingrid cho biết, cô đã sử dụng kỹ thuật trộn đất sét với chất nhuộm màu và gốm được nung trong lò nung chất lượng cao ở nhiệt độ 1.250 độ C. Hầu hết gốm Amai không phủ men ở mặt ngoài sản phẩm, nên khi bạn chạm tay vào gốm sẽ cảm nhận đầy đủ sự thô nhám. Gốm Amai được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.

Sadec District cũng trưng bày các bộ đồ ăn được tạo tác thủ công có xuất xứ Thái Lan với lối tạo hình theo các nét tròn - vuông cổ điển. Hai sắc men chủ đạo: trắng ngà làm nền tôn nét men xanh được thể hiện qua kỹ thuật tráng men rót và nhúng men. Đặc biệt, kỹ thuật này đã tạo nên sự tương phản không đồng nhất giữa hai màu xanh, trắng và là điểm nhấn độc đáo thể hiện tính thủ công cũng như mỹ thuật đặc trưng của sản phẩm.

 

Các loại gốm của nhiều nước Đông Nam Á

Sadec District tham vọng sẽ tạo nên một cái nhìn mới mẻ về giá trị của nghề thủ công, cộng với sự sáng tạo của chính người sử dụng tạo ra một niềm phấn khích mới mẻ trong cái quen thuộc của mỗi không gian gia đình.

Khải Ly

Nguồn: Doanh nhân SG

{fcomment}