Sự thực Samsung được ưu đãi vượt khung thế nào?

Vẫn tiếp tục có những thông tin về việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang được ưu đãi đầu tư “khủng”, vượt khung. Từ Samsung, LG, Nokia tới Fomusa..., nhưng sự thực có là như vậy?

Sự thực Samsung được ưu đãi vượt khung thế nào?

Samsung, sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án 3 tỷ USD ở Thái Nguyên và trước đó là dự án 1,4 tỷ USD ở TP.HCM đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với tổng vốn đăng ký trên 11,2 tỷ USD.

Tất nhiên, cùng với các dự án quy mô lớn này, Samsung đã nhận được nhiều ưu đãi đầu tư từ Chính phủ Việt Nam, như hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo… Cùng với các ưu đãi này, các địa phương cũng đã dành cho Samsung các ưu đãi về tiền thuê đất, tiếp tục cho Samsung được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp theo sau giai đoạn 9 năm đó…

Chuyện Samsung được ưu đãi khiến không ít quan điểm cho rằng, nhà đầu tư này đang được hưởng ưu đãi “khủng”, ưu đãi vượt khung, rằng có tình trạng các địa phương đang “dốc gan ruột” để ưu đãi cho Samsung.

Tuy nhiên, trên thực tế, những ưu đãi của Samsung, hay Nokia (hiện là Microsoft), rồi LG và tất cả các dự án đầu tư công nghệ cao khác đều được dựa trên các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao, cũng như các quy định về ưu đãi đối doanh nghiệp chế xuất. Nói cách khác, bất cứ doanh nghiệp nào nếu được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp chế xuất đều được hưởng, chứ không chỉ riêng Samsung hay Nokia.

“Việc các địa phương xem xét ưu đãi thêm cho Samsung hay các nhà đầu tư khác cũng nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật Việt Nam, nên không thể nói đó là các ưu đãi vượt khung”, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.

Trao đổi về điều này, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã từng chia sẻ rằng, không có chuyện “phân biệt đối xử” giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Việc có doanh nghiệp trong nước cảm thấy bị đối xử không công bằng sau khi Thái Nguyên dành ưu đãi cho Samsung là do tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho nhà đầu tư này trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ điện, nước ngoài hàng rào khu công nghiệp.

“Chúng tôi hiểu điều đó sẽ khiến doanh nghiệp trong nước cảm thấy không công bằng, nhưng Samsung là một dự án lớn có tác động rất tích cực đến sự phát triển của tỉnh, nên cần phải tập trung làm ngay”, ông Long nói.

Không có chuyện ưu đãi vượt khung

Cũng liên quan đến ưu đãi đầu tư, cách đây ít lâu, dư luận cũng đã nói đến chuyện Formosa, với Dự án Liên hợp thép Formosa tại Hà Tĩnh, vốn đầu tư 10 tỷ USD, được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng Tổ quản lý Dự án Gang thép Formosa Hà Tĩnh, những gì Formosa nhận được không phải là quá mức so với quy định pháp luật.

“Chúng tôi không được hưởng ưu đãi nào vượt quá khung pháp luật của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt nếu đầu tư trong Khu kinh tế Vũng Áng và cùng trong lĩnh vực thép với quy mô lớn đều được hưởng ưu đãi giống như chúng tôi. Đó là quy định của pháp luật nhằm khuyến khích sự phát triển của các khu kinh tế cả nước”, ông Tường nói.

Một cách rõ ràng, nếu căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam, thì không có chuyện ưu đãi vượt ra khỏi khung khổ pháp luật Việt Nam. Chưa kể, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI, thì cần ưu đãi đầu tư cho các dự án quy mô lớn, các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao mà hiện Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.

“Khi xem xét các dự án đầu tư, cần cân nhắc lợi ích của nhà đầu tư, của đất nước như thế nào cho hài hòa. Các nhà đầu tư lớn có quyền đòi hỏi những điều kiện để họ đầu tư vào Việt Nam. Còn chúng ta, phải tính toán xem, với những điều kiện ưu đãi đấy, Việt Nam được cái gì, nhà đầu tư được cái gì, nếu nhìn tổng thể, hài hòa lợi ích của cả hai bên, thì không nên ngần ngại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, khi nhìn nhận và đánh giá về các dự án FDI, phải nhìn một cách toàn diện như vậy.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, không thể nói là doanh nghiệp FDI được ưu đãi đầu tư rất nhiều, còn doanh nghiệp trong nước thì không.

Chuyên gia trong lĩnh vực FDI - GS-TSKH Nguyễn Mại cũng đã nhiều lần bày tỏ sự đồng tình trước việc Việt Nam ưu đãi đầu tư cho các dự án quy mô lớn. Bởi chỉ đơn cử trường hợp của Samsung, dù Việt Nam chấp nhận ưu đãi thuế cho họ, song cái mà Việt Nam nhận được là việc làm (hiện 2 nhà máySamsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh giải quyết việc làm cho khoảng 73.000 lao động), là kim ngạch xuất khẩu lớn (năm 2014 dự kiến khoảng 27 tỷ USD), chưa kể một khoản đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), rồi góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam khi thu hút được một số lượng lớn nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam…

Thậm chí, có quan điểm cởi mở hơn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với các dự án quy mô lớn, với các nhà đầu tư có tính chất như một đối tác quốc gia, thì chỉ ưu đãi thuế là chưa đủ, Chính phủ Việt Nam còn cần dành cho họ cả những thể chế đột phá.

Trên thực tế, khi xem xét ưu đãi đầu tư cho Samsung, Microsoft, hay Bosch, Canon, LG, rồi Formosa…, các bộ, ngành Trung ương đều đã phải xem xét một cách cẩn trọng dựa trên lợi ích quốc gia và lợi ích nhà đầu tư, cũng như dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam, bởi cũng đã qua rồi cái thời Việt Nam thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Đánh giá cao vai trò của các dự án quy mô lớn trong tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, Luật Đầu tư sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, cũng đã dành nhiều ưu đãi đầu tư cho các dự án có quy mô 6.000 tỷ đồng (tương đương 300 triệu USD) trở lên.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán