Tân CEO Target chỉ thắng khi bám sát mục tiêu

 Mới đây, Target, tập đoàn quản lý và kinh doanh chuỗi siêu thị bán lẻ lớn thứ 2 ở Mỹ, chỉ sau Wal-Mart đã chính thức bổ nhiệm ông Brian Cornell, 55 tuổi, nguyên là quản lý cao cấp của Tập đoàn sản xuất nước giải khát PepsiCo vào chức giám đốc điều hành (CEO).

Tân CEO Target chỉ thắng khi bám sát mục tiêu

Động thái này đã chấm dứt tình trạng khuyết lãnh đạo chóp bu trong suốt 3 tháng qua, sau khi ông Gregg Steinhafel mất chức CEO (vào tháng 5/2014) vì để xảy ra tình trạng khách hàng bị đánh cắp thông tin cá nhân qua mạng khi mua hàng bằng thẻ ATM và thẻ tín dụng tại Target.

Vào mùa Giáng sinh năm ngoái (trong khoảng thời gian diễn ra các chương trình giảm giá Black Friday từ ngày 27/11 đến 15/12/2013), do công tác bảo mật trên mạng kém, nên tất cả khách hàng mua hàng tại chuỗi cửa hàng của Target trả bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng đã bị đánh cắp mọi thông tin cá nhân.

Dù vụ việc sớm được phát hiện và xử lý, song sự cố này đã có ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín và kết quả kinh doanh của Target, lại đúng vào mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Như chính ông Gregg Steinhafel thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC của Mỹ, khoảng 110 triệu tài khoản của khách hàng đã bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Điều an ủi duy nhất là, Target không phải là nhà bán lẻ duy nhất của Mỹ bị tấn công trong mùa mua sắm năm 2013. Cửa hàng bách hóa cao cấp Neiman Marcus cũng thông báo, cơ sở dữ liệu khách hàng của họ cũng bị tấn công trong khoảng thời gian trên. Ngoài ra, theo thông tin của Reuters, có ít nhất ba nhà bán lẻ nổi tiếng khác tại Mỹ cũng bị tấn công tương tự vào những ngày mua sắm cuối năm 2013.

Cho đến nay, vụ vi phạm dữ liệu lớn nhất được ghi nhận đối với một hãng bán lẻ Mỹ chính là vụ đánh cắp thông tin của 90 triệu khách hàng của T. J. Maxx xảy ra vào năm 2005.

Trở lại với trường hợp của Target. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Beth Jacobs, giám đốc phụ trách về công nghệ thông tin (CIO) lập tức bị mất chức, Target mất thêm 148 triệu USD để khắc phục mọi hậu quả và đầu tư nâng cấp mạng, nâng cao tính bảo mật… Vụ scandal này cộng với việc Chi nhánh Target ở Canada lỗ 941 triệu USD trong năm 2013 đã khiến ông Gregg Steinhafel mất ghế.

Ngày 12/8 tới, ông Brian Cornell sẽ chính thức điều hành Target trên cương vị mới. Trong 112 năm tồn tại của mình, đây là lần đầu tiên, Target chọn CEO là người bên ngoài, chứ không phải là người được đào tạo tại chỗ, từ cơ sở. Được thành lập năm 1902 tại Minneapolis (bang Minnesota), Target hiện có 1.916 cửa hàng, siêu thị, trong đó gồm 1.789 tại Mỹ và 127 tại Canada với 361.000 nhân viên. Năm 2013, doanh thu của Target đạt 72,6 tỷ USD; lợi nhuận thuần đạt gần 3 tỷ USD. Target là doanh nghiệp lớn thứ 36 tại Mỹ (xét theo doanh thu theo xếp hạng của Tạp chí Fortune).

Một số người am hiểu nội tình nhận xét, về Target, ông Brian Cornell sẽ gặp không ít thách thức, mà nói một cách nôm na là phải giải quyết những vấn đề “rất xương xẩu”.

Thứ nhất, ông phải nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo cao cấp, vốn được xem là chưa thật sự đoàn kết. Ông John Mulligan, giám đốc phụ trách về tài chính (CFO) của Target đã từng được tạm nắm quyền CEO một thời gian, nhưng không nhận đủ số phiếu cần thiết để làm công việc này lâu dài. Hai ứng cử viên sáng giá khác là Tina Schiel và Kathryn Tesija đều đã gắn bó với Target trên 30 năm, song không lọt qua vòng tuyển chọn cuối cùng của Ban lãnh đạo.

Chắc chắn là “các ma” cũ này sẽ khó phục “tướng” mới.

Thứ hai, ông phải nhanh chóng cải thiện tình hình kinh doanh của Chi nhánh Target tại Canada. Năm ngoái, Chi nhánh bị lỗ 941 triệu USD, năm nay tình hình cũng không sáng sủa hơn. Tony Fisher, Chủ tịch Chi nhánh Target tại Canada cũng bị mất chức cách đây ít lâu.

Theo một số nhà phân tích, ông Brian Cornell được coi là một CEO có năng lực “chữa cháy” khá tài. Sau khi tốt nghiệp Đại học California, Los Angeles (bang California) và có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) của Anderson School of Management, ông đã từng làm CEO của Michaels Stores. Khi Sam’s Club, một công ty con của Wal-Mart International chìm đắm trong khủng hoảng, ông về làm CEO và chỉ trong 3 năm đã vực dậy được công ty này.

Khi PepsiCo Americas Foods, Chi nhánh tại Mỹ của PepsiCo. gặp khó khăn, ông lại về làm CEO và biến chi nhánh này thành một trong những công ty con làm ăn có lãi nhất của PepsiCo. Cornell được xem là một trong số ứng cử viên tiềm năng vào chức CEO trong tương lai ở đây, thế chỗ bà Indra Nooyi. Thế nhưng, khi Target có lời mời, ông lại sẵn sàng nhảy vào lửa để thử sức mình.

Có nhà báo Mỹ đã bình luận có phần chơi chữ rằng, nếu ông bám sát mục tiêu thì ông sẽ lại thắng. Chẳng là từ Target trong tiếng Anh có nghĩa là mục tiêu mà.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

{fcomment}