Chế tài bồi thường vật chất đối với các cá nhân, tập thể có trách nhiệm đối với các khoản phải thu khó đòi là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế các DNNN đều hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi khi định giá tài sản DN trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Điều này làm tăng giá trị tài sản so với giá trị thực của DN. Ông Nguyễn Phúc Hảo, Phó giám đốc Phòng Tư vấn tài chính DN, CTCK Bản Việt (VCSC) trao đổi với ĐTCK.
Theo kinh nghiệm của VCSC, bất cập mà các DNNN gặp phải trong quá trình định giá tài sản trước khi IPO là gì, thưa ông?
Bất cập lớn nhất chính là việc tăng ảo tài sản so với tài sản hữu dụng của DN, tương ứng một khoản vốn ảo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN sau khi cổ phần hóa. Cụ thể, theo quy định, chất lượng tài sản đánh giá lại không thấp hơn 20 - 30% so với chất lượng của tài sản cùng loại mua sắm mới hoặc đầu tư xây dựng mới, tùy theo từng loại tài sản.
Thứ hai, tài sản đã khấu hao hết, đã phân bổ hết vào chi phí mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng thì phải đánh giá lại theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản, công cụ, dụng cụ mua mới.
Thứ ba, giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị DN cổ phần hoá bao gồm: giá trị thương hiệu phải tính các chi phí có liên quan từ lúc thành lập công ty, trong khi tên công ty và thương hiệu không phải là hai khái niệm đồng nhất; tiềm năng phát triển được tính toán trên cơ sở chênh lệch dương so với lãi suất trái phiếu chính phủ, mà theo các thông lệ về tài chính, đây được xem là lãi suất có mức độ rủi ro gần như thấp nhất. Tức là, nếu DN chỉ cần kinh doanh hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận nhỉnh hơn so với lãi suất phi rủi ro thì đã phải tính là lợi thế kinh doanh, làm tăng giá trị tài sản.
Thứ tư, trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của DN cổ phần hóa tại DN khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán, thì xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn theo giá trị ghi trên sổ kế toán của DN cổ phần hóa. Tức là, khi tính toán khoản mục này, các khoản dự phòng cho đầu tư xem như đều phải được hoàn nhập.
Đối với khoản công nợ phải thu thì phải chứng minh chi tiết là không thể thu hồi được theo quy định để không tính vào giá trị DN. Tuy nhiên, nếu là do nguyên nhân chủ quan thì phải có ai đó trong số cơ quan, cá nhân có liên quan như: DN, tổ chức tư vấn, cơ quan kiểm toán và cơ quan quyết định cổ phần hóa bị xử lý bồi thường vật chất. Điều này dẫn đến thực tế là gần như các DNNN đều phải hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, tính tăng giá trị DN, vì rất khó để quy trách nhiệm bồi thường vật chất cho cơ quan hay cá nhân nào.
Đối với các DN được giao đất hoặc thuê đất trả tiền một lần, khi DN đầu tư làm hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh theo thời gian được giao hoặc thuê đất, thì đến khi áp dụng khung giá đất để xác định giá trị DN cũng phải chịu một mức giá cao hơn, trong khi mục đích sử dụng đất lại không đổi.
Mới đây, Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) hoàn nhập dự phòng khoản nợ khó đòi (cuối năm 2013 trích lập xong) để xác định phần vốn nhà nước trước IPO. Ông có thấy trường hợp tương tự trong các thương vụ IPO trước đó hay không?
Với quy định về xử lý nợ phải thu và dự phòng như đã nói ở trên, hầu như các DN đều phải xử lý như vậy khi xác định giá trị DN. Cần lưu ý, vấn đề không phải là quy định phải tính nợ khó đòi vào phần vốn nhà nước, mà là cơ chế trách nhiệm xử lý vật chất trong trường hợp phát sinh các khoản nợ khó đòi do nguyên nhân chủ quan, nên dẫn đến cách làm như vậy.
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN. Theo ông, quyết định này sẽ có tác động ra sao trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN?
Hoạt động IPO từ nay đến cuối năm 2015 sẽ theo xu hướng chung nguồn cung tăng mạnh. Với những hướng dẫn cụ thể, thông thoáng hơn cho hoạt động thoái vốn của DNNN, sẽ có thêm các vụ IPO. Tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư.
Điểm tích cực trong Quyết định 51/2014/QĐ-TTg chính là đối với những DN đã trở thành công ty cổ phần trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (1/11/2014), đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc DN hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày Quyết định 51 có hiệu lực.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều DN đã IPO từ lâu mà chưa niêm yết như Sabeco, Habeco… cũng nằm trong diện phải điều chỉnh theo quy định mới và những DN này phải lên sàn chậm nhất vào cuối năm 2015. Qua đó, TTCK sẽ có nguồn cung lớn hơn và nhiều hàng hóa chất lượng hơn.
{fcomment}
-
Hà Nội: Chung cư tăng giá vẫn “hút” khách
-
Cấm người nước ngoài "lướt sóng" bất động sản làm gì!
-
Người đàn bà đánh ghen trước Big C đối mặt nhiều tội danh
-
Xét xử vụ làm giả 150 thẻ công an
-
Cầu thủ đội tuyển nữ Việt Nam được vào thẳng ĐH Công nghệ Thông tin
-
Kiến Á mở bán đợt 2 dự án nhà phố biệt lập Citibella
-
Một ngày ở đơn vị cảnh sát cơ động
-
Những lưu ý khi đầu tư bất động sản tại Bình Thuận
-
Bí mật bên trong các điểm thác loạn: Cuộc kiểm tra được báo trước?
-
Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 26/10