Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, tính đến hết ngày 30/6, cả nước có hơn 895.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Trong số này, có hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Như vậy, còn khoảng 255.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu vào ĐH, CĐ (chiếm tỷ lệ 28,5%).
Tại Hà Nội, trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa có 640 học sinh lớp 12 đã đăng ký tổng số 5.900 nguyện vọng xét tuyển ĐH.
Như vậy trung bình, mỗi học sinh đăng ký 9 nguyện vọng, lượng học sinh đăng ký từ 5 đến 6 nguyện vọng chiếm đa số; học sinh đăng ký nhiều nhất lên tới 20 nguyện vọng. Trường THPT Kim Liên có 11 học sinh không xét đại học vì những trường hợp này chỉ thi tốt nghiệp THPT sau đó đi du học.
Trường THPT Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh năm nay có 504 học sinh lớp 12. Nhà trường đã hoàn thành việc thu nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 đối với tất cả học sinh. Tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển đại học chiếm 90%.
Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn của thí sinh trong đợt xét tuyển ĐH năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định, những chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn được giữ ổn định, cơ bản như năm 2019, giúp thí sinh yên tâm tham gia xét tuyển. Năm nay, các trường đại học đã chủ động đưa ra nhiều phương án tuyển sinh khác nhau để tăng sự lựa chọn cho thí sinh.
Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các trường mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, sau khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh vẫn có cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng. “Trong thời gian hơn một tuần, các em sẽ được cập nhật số liệu, phân tích thông tin, suy nghĩ, cân nhắc và thay đổi lại nguyện vọng nếu muốn”, bà Thủy cho biết.
Cũng theo bà Thủy, năm nay Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường ĐH lọc thí sinh ảo trong đợt xét tuyển thứ nhất. “Như vậy, thí sinh yên tâm rằng sẽ đỗ vào nguyện vọng cao nhất có thể mà các em đã đăng ký xét tuyển”- bà Thủy khẳng định.