Quyết định lịch sử
Đêm qua (giờ Việt Nam), nước Mỹ đã có một sự thay đổi lịch sử trong các mục tiêu chính sách. Tại hội nghị trực tuyến chuyên đề thường niên Jackson Hole, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã gạt bỏ thông lệ được duy trì trong 30 năm qua nhằm hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế.
Theo đó, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không nâng lãi suất trước để ngăn lạm phát có thể tăng cao trong tương lai. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ông đã được “cái gật đầu” từ tất cả 17 quan chức của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt này.
Cụ thể, theo CNBC, Fed sẽ cho phép có những khoảng thời gian lạm phát tăng nóng để có thể đạt mức trung bình mục tiêu 2%. Theo cơ quan này, lạm phát liên tục ở mức quá thấp có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Trong phát biểu của mình, ông Jerome Powell cho rằng, chu kỳ lạm phát thấp cực kỳ đáng ngại. Lạm phát thấp khiến các ngân hàng trung ương bị mắc kẹt với mức lãi suất thấp và khó có thể sử dụng công cụ lãi suất để ngăn chặn một cuộc suy thoái trong tương lai.
Chủ tịch Powell cho biết, Fed quyết định thay đổi cách tiếp cận, tìm cách đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian. Điều đó có nghĩa, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ chấp nhận có giai đoạn lạm phát thấp hơn và cao hơn mức này. Nước Mỹ sẽ để lạm phát tăng cao hơn 2% khi nền kinh tế khỏe mạnh và ở dưới 2% khi kinh tế suy yếu, miễn sao bình quân của một giai đoạn vẫn là 2%.
Cũng theo Fed, sau một giai đoạn lạm phát liên tục ở dưới mức 2%, các chính sách tiền tệ hợp lý có thể sẽ đẩy lạm phát cao hơn 2% trong một khoảng thời gian.
Ông Powell cho biết, Fed không bó chặt với một công thức toán học để định nghĩa từ “trung bình” một cách cụ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ có nhiều không gian hơn, linh hoạt hơn trong việc quyết định chính sách tiền tệ.
Những tuyên bố của Jerome Powell đồng nghĩa với việc Fed đã sẵn sàng giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, với lãi suất sát 0%, kéo dài thêm nữa. Fed sẽ có xu hướng ít tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, miễn là lạm phát không vượt quá mục tiêu.
Một số đánh giá cho rằng, với cách tiếp cận mới, Fed có khả năng giữ lãi suất ngắn hạn ở gần mức 0% trong 5 năm hoặc hơn.
Trên Bloomberg, Jason Furman, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Nhà Trắng và hiện là giảng viên tại Đại học Harvard cho biết ông không không ngạc nhiên nếu lãi suất vẫn ở mức 0% trong 5 năm tới.
Donald Trump thêm lợi thế
Chính sách mới, theo nhiều đánh giá, là thông tin tốt lành cho thị trường chứng khoán. Nhờ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Fed thời gian qua, chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq Composite của Mỹ liên tục lập kỷ lục cao mới.
Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng thêm hơn 160 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 lập kỷ lục mới và có thời điểm lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 3.500 điểm.
Trong vài tháng gần đây, chứng khoán Mỹ dồn dập lập các kỷ lục cao mới, tăng thêm 60%-75%, tương ứng vốn hóa tăng thêm vài chục nghìn tỷ USD. Túi tiền người dân Mỹ tăng vọt. Đây là yếu tố có lợi cho ông Donald Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới.
Theo New York Times, ông Donald Trump vẫn được cử tri Mỹ đánh giá cao về việc điều hành kinh tế bất chấp nền kinh tế Mỹ suy sụp vì đại dịch Covid-19 và theo đó tỷ lệ thất nghiệp lên mức 2 con số.
Với quyết định mới của Fed, nhiều khả năng lãi suất ở mức sát 0% sẽ được giữ kéo dài và đây là một yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, Fed đã giữ lãi suất gần mức 0% trong 7 năm.
Cũng với quyết định lần này, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục triển khai chính sách bơm tiền ồ ạt cho tới khi nào nền thị trường lao động Mỹ tốt trở lại, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định.
Nếu trong thời gian tới, 2 đảng tại Mỹ giải quyết được những bất đồng để thông qua một chương trình giải cứu mới, hỗ trợ những người thất nghiệp Mỹ, thì đó sẽ là một cú huých mới cho vị thế của ông Trump.
Cũng trong đêm qua, nền kinh tế Mỹ phát ra thêm một tín hiệu tốt. Doanh số nhà chờ bán trong tháng 7 của Mỹ vượt dự báo. Chỉ số về doanh số nhà chờ bán trong tháng 7 tăng lên mức 122,1 điểm, so với mức 115,3 điểm trong tháng 6. Doanh số nhà chờ bán tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước bất chấp đại dịch Covid.
Ở mặt trận chống đại dịch Covid, nhiều thông tin tích cực khiến giới đầu tư hưng phấn.
Công ty dược Moderna của Mỹ vừa công bố vaccine có tác dụng tốt với nhóm bệnh nhân cao tuổi nhất. Theo đó, thử nghiệm của công ty cho thấy, vaccine đã tạo được phản ứng miễn dịch đối với người từ 56 tuổi trở lên. Trước đó, công ty cũng đã công bố vaccine Covid-19 tạo được miễn dịch với người trẻ.