Chờ gì ở ĐHCĐ bất thường Eximbank, Sacombank?

 Thị trường đang nóng lòng chờ đợi ĐHCĐ bất thường của Eximbank và Sacombank, Đại hội quyết định bộ máy nhân sự lãnh đạo cũng như phương hướng hoạt động trong giai đoạn tới của hai ngân hàng niêm yết lớn sau nhiều biến động. 

Chờ gì ở ĐHCĐ bất thường Eximbank, Sacombank?

Đến thời điểm này, Eximbank đã chốt lịch tổ chức Đại hội vào 15/12, nhưng Sacombank vẫn chưa hé lộ thông tin ngày tổ chức dù đã quá thời hạn 30 ngày từ khi nhận sáp nhập SouthernBank.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa ĐHCĐ bất thường của Eximbank mới diễn ra, nhưng các thông tin liên quan đang nóng dần.

Theo công bố của HĐQT Eximbank, ngày 19/11/2015, Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông để tiến hành ĐHCĐ bất thường về việc bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020 và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHCĐ. Số lượng thành viên dự kiến được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới là 11 người; trong đó tối thiểu 1/2 là thành viên không điều hành và thành viên độc lập, ít nhất phải có 1 thành viên độc lập. Chủ tịch HĐQT có thể là thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên dự kiến được bầu vào Ban Kiểm soát là 5 người.

Ngày 22/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố kết luận thanh tra Eximbank và theo các nguồn tin, trong kỳ ĐHCĐ bất thường tới đây, nhân sự cấp cao Eximbank sẽ có nhiều thay đổi, kể cả vị trí “ghế nóng”. Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, thông qua số vốn cổ phần Vietcombank đang nắm giữ tại Eximbank 8,2%, NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị Eximbank.

Hồi giữa tháng 7, thị trường rộ lên thông tin Vietcombank sẽ chuyển nhượng phần vốn tại Eximbank cho nguyên một lãnh đạo NamA Bank khi NamA Bank muốn sáp nhập Eximbank. Thế nhưng, cả Vietcombank và NamA Bank đều lên tiếng phủ nhận điều này. Vietcombank cho biết, chủ trương của Ngân hàng là tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank, còn Chủ tịch NamA Bank khẳng định, Ngân hàng không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của Eximbank. Cho đến khi danh sách ứng viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới được công bố, có lẽ điều này mới được sáng tỏ.

Tin đồn NamA Bank sáp nhập Eximbank từng dấy lên trong thời gian khá dài có căn cứ là hồi tháng 4/2015, trước thềm ĐHCĐ thường niên 2015 của Eximbank (dự kiến ngày 21/4), 2 nhân sự cấp cao của Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ (Tổng giám đốc) và ông Trần Ngọc Tâm (Phó tổng giám đốc) đều từ nhiệm để ứng cử vào HĐQT của Eximbank với phần vốn đại diện hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank.

ĐHCĐ bất thường của Eximbank thu hút sự chú ý của giới đầu tư cũng xuất phát từ việc ĐHCĐ thường niên 2015 của Ngân hàng không dưới 2 lần bị trì hoãn, với lý do NHNN chưa chuẩn y nhân sự cấp cao của nhà băng này. Lợi nhuận Eximbank trong 2 năm gần đây có phần sa sút khi phải dành mọi nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro.

6 tháng đầu năm, Eximbank đạt 630 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng theo đánh giá của HSC, Ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro quý II. Vì vậy, HSC dự báo, nhiều khả năng năm nay, Eximbank chỉ đạt hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận trên chỉ tiêu kế hoạch 1.000 tỷ đồng trước thuế. Đến thời điểm này, Eximbank vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.

Như vậy, trong tất cả các kịch bản thị trường đang đưa ra, dường như việc NHNN đưa người vào quản lý Eximbank là rõ ràng hơn cả. Một nguồn tin đáng tin cậy cũng cho hay, tới đây, Eximbank sẽ có một số thay đổi về lãnh đạo. NHNN sẽ cử người đại diện vào điều hành và quản trị, cùng tham gia tái cơ cấu Eximbank, trong đó bao gồm người của Vietcombank. Giới đầu tư đang kỳ vọng, Eximbank sẽ cải tổ tốt hơn sau những biến cố trong thời gian qua.

Cùng với Eximbank, thị trường đang nóng lòng chờ đợi Sacombank công bố ngày chốt danh sách cổ đông tiến hành ĐHCĐ bất thường sau khi nhận sáp nhập SouthernBank (từ ngày 1/10). Sacombank là ngân hàng niêm yết và theo quy định của pháp luật, ĐHCĐ của ngân hàng sau sáp nhập phải được tiến hành tối đa sau 30 ngày kể từ ngày nhận sáp nhập ngân hàng khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sacombank vẫn chưa có kế hoạch tiến hành Đại hội.

Một diễn biến nhân sự đáng chú ý tại Sacombank là ông Trầm Bê đã cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở SouthernBank, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập. Ông Trầm Bê đã chính thức rời ghế Phó Chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank kể từ ngày 1/11/2015.

Điều này có nghĩa là cũng không loại trừ việc NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị Sacombank. Nhân sự cấp cao của Sacombank một lần nữa lại thay đổi sau nhiều biến động kể từ khi bị thâu tóm.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán