Tập trận RIMPAC hai năm một lần ngoài khơi Hawaii. Trong RIMPAC 2020, quy mô nhỏ hơn những lần trước đó nhưng điểm đặc biệt là khoa mục bắn đạn thật và số mục tiêu giả định trên biển được tăng lên.
Theo hình ảnh được công bố, chiếc tàu chở hàng cỡ nhỏ hoạt động từ năm 1994 và đã bị loại biên được dùng làm mục tiêu bắn phá của tên lửa Harpoon.
Quả tên lửa Harpoon đầu tiên tạo thành đám khói khổng lồ bốc lên, tiếp theo 2 quả tên lửa khác cũng lần lượt bắn trúng mục tiêu. Tuy nhiên, chiếc tàu chỉ bị rung lắc và thủng 3 lỗ nhưng không có dấu hiệu gì bị chìm.
Hình ảnh đoạn video dừng lại ở đó nhưng theo nguồn tin của trang Drive, phải sau hơn 12 giờ đồng hồ chiếc tàu mới chịu chìm xuống đáy biển. Hình ảnh vụ tấn công khiến người ta nhớ lại vụ lùm xùm về sức mạnh của vũ khí Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC-16.
Mục tiêu bị bắn hạ trong cuộc tập trận này là chiếc tàu lớp Oliver Hazard Perry mang tên USS Thach (FFG 43) đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ. Đầu tiên, chiếc USS Thach đã bị trúng 1 quả tên lửa Harpoon từ tàu ngầm của Hàn Quốc, sau đó là 1 tên lửa Harpoon nữa từ khu trục hạm HMAS Ballarat cùng 1 quả Hellfire từ trực thăng SH-60S của Hải quân Australia.
Trong đợt tấn công tiếp theo, một tàu tuần tra của Mỹ đóng góp 1 tên lửa Harpoon và 1 tên lửa Maverick; tàu tuần dương USS Princeton còn tiếp tục phóng 1 tên lửa Harpoon, trong khi một trực thăng SH-60S khác bồi thêm một số tên lửa Hellfire nữa.
Chưa hết, một chiếc F/A-18 của Mỹ còn thả 1 quả bom Mk 84, máy bay ném bom B-52 ném 1 quả bom GBU-12 Paveway trọng lượng 225 kg.
Cuối cùng một tàu ngầm hạt nhân Mỹ phóng ra một quả ngư lôi Mk-48 với lượng chất nổ cực mạnh, bắn trúng mũi tàu tạo nên một cột nước khổng lồ. Sức mạnh của quả ngư lôi này làm phần thân gần mũi tàu bị thụt sâu vào bên trong với 1 lỗ thủng lớn.
Theo thống kê, người ta đã dùng đến hơn 10 loại vũ khí cực mạnh để đánh chìm tàu USS Thach, gồm 4 tên lửa diệt hạm Harpoon (phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay), nhiều tên lửa Hellfire phóng từ trực thăng, 1 tên lửa Maverick từ máy bay P-3 Orion, 2 quả bom (từ F/A-18 và B-52), và 1 ngư lôi từ tàu ngầm hạt nhân.
Điều đáng nói ở đây là sau khi hứng chịu số lượng bom đạn khổng lồ như vậy, con tàu vẫn trụ vững tới 12 giờ đồng hồ rồi mới chịu thúc thủ.
Điều đặc biệt là tấn cả những tên lửa nói trên đều được giới thiệu của thể đánh chìm những chiếc tàu lớn hơn cả lớp Oliver chỉ với một phát bắn duy nhất. Nhận thấy điểm yếu của vũ khí, đặc biệt là Harpoon, Mỹ bắt đầu sản xuất loại tên lửa AGM-158C được thiết kế để thay thế cho tên lửa Harpoon.
Tên lửa AGM-158C LRASM (Long Range Anti-Ship Missile – tên lửa chống tàu tầm xa) được thiết kế và sản xuất bởi công ty Lockheed Martin theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ.
AGM-158C được thiết kế để thay thế cho tên lửa Harpoon, loại vũ khí được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1977. Loại tên lửa mới này có hình dáng bên ngoài và lớp phủ của chúng đặc biệt cho phép giảm khả năng bị radar đối phương phát hiện.
Ngoài ra chúng còn được trang bị bộ cảm biến cho phép tự động phát hiện và xác định vị trí mục tiêu, đồng thời liên lạc với các tên lửa khác nhằm phân phối mục tiêu.
LRASM sẽ được trang bị đầu dò vô tuyến đa chức năng cùng đường truyền dữ liệu (datalink) tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh.
Theo nguồn tin đã công bố, tên lửa LRASM có phần chiến đấu nặng 450 kg và có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 560 km (thậm chí có nguồn tin cho rằng tầm bắn của chúng lên tới hơn 900 km). Đến khi AGM-158C hoàn thành thay thế Harpoon, sức mạnh diệt hạm của Hải quân Mỹ được tăng lên rất nhiều.