Thoái vốn ngân hàng, bóng trong chân Thống đốc

 Quyết định 51/2014/QĐ-TTg dành hẳn một mục lớn để quy định về thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại. 

Thoái vốn ngân hàng, bóng trong chân Thống đốc

Trong đó, người mua ưu tiên sẽ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các nhà băng được chỉ định chứ không như thị trường vẫn nghĩ rằng SCIC có nhiệm vụ “ôm” lượng cổ phiếu này.

Việc thoái vốn ngân hàng được chia thành nhiều trường hợp. Trước hết, những ngân hàng có cổ đông là DNNN sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên được NHNN xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định một hoặc một số ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ) mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với từng trường hợp.

Các trường hợp khác, DNNN thực hiện thoái vốn thông qua đấu giá và bán thỏa thuận và phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản nhà đầu tư mới.

Trường hợp bán không thành công thì đề nghị NHNN tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại trước khi đề nghị SCIC mua.

Trường hợp khoản đầu tư chiếm dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại, DNNN thoái vốn trên thị trường theo quy định (đấu giá, thỏa thuận, khớp lệnh…). Trường hợp không bán được hoặc không bán hết thì doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị SCIC xem xét thỏa thuận mua số cổ phần còn lại.

Theo thống kê, hiện số vốn đầu tư của DNNN vào các ngân hàng, công ty tài chính khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến một số khoản đầu tư lớn của các tập đoàn, TCT như Tập đoàn Dầu khí sở hữu 20% cổ phần Ocean Bank và 52% cổ phần PVcomBank, Tập đoàn Điện lực sở hữu 16% vốn điều lệ ABBank, VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PG Bank.

Một số doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối cũng tham gia đầu tư vào ngân hàng như Vietnam Airlines tại Techcombank, MobiFone, PVGas tại SeABank, Tập đoàn Bảo Việt tại Ngân hàng Bảo Việt, Vinare tại TPBank … Riêng khối công ty tài chính, hiện có gần 10 đơn vị có vốn góp của các tập đoàn, TCT như Sông Đà, Xi măng, Handico, Viettel - Vinaconex…

Đánh giá của NHNN cho thấy, tất cả những ngân hàng có vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN kể trên đều đang hoạt động khá ổn định và không thuộc nhóm phải tái cơ cấu trong đợt 1. Bởi vậy, với tư cách là cơ quan quản lý ngành, ít có khả năng NHNN trực tiếp đứng ra nhận quyền sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại kể trên, vì theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương chỉ đứng ra tiếp nhận, tham gia mua lại cổ phần và trở thành cổ đông để xử lý ngân hàng yếu kém, phải cơ cấu để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Như vậy, chỉ có 3 con đường với số vốn trên 10.000 tỷ đồng nói trên. Trong đó, ưu tiên số 1 là NHNN chỉ định ngân hàng quốc doanh đứng ra mua lại để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu. Hiện các ngân hàng có quyền mua có thể kể đến như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank.

Trước đây, NHNN cũng đã chỉ định Vietcombank tham gia mua lại một lượng lớn cổ phần và trực tiếp thực hiện quá trình tái cơ cấu hoạt động của Eximbank cùng một số ngân hàng yếu kém khác. Song nhìn nhận một cách thẳng thắn hiện nay, trong số các ngân hàng vừa kể tên, không phải ngân hàng nào cũng có năng lực thực sự về tài chính, chưa nói đến khả năng hỗ trợ các nhà băng khác.

Hồi giữa năm nay, thị trường từng ồn ào chuyện Vietinbank tham gia đầu tư vào PGBank và Công ty Tài chính Viettel-Vinaconex. Bởi vậy, rất có thể, ngân hàng này sẽ là một trong những đầu mối được chỉ định tham gia mua lại một số khoản đầu tư ngoài ngành.

Con đường thứ hai là các tập đoàn, TCT chủ động tìm nhà đầu tư để bán lại/bán bớt số cổ phần trên. Với tỷ lệ cổ phần ở một số ngân hàng như OceanBank, PVcomBank, ABBank, PGBank… rất lớn, những nhà đầu tư mới chính là các nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng.

Ở thời điểm hiện nay, việc tìm kiếm và thỏa thuận thành công với các nhà đầu tư như vậy, cả trong và ngoài nước không hề dễ dàng.

OceanBank từng kỳ vọng sẽ đàm phán để Tập đoàn Hemes (Anh) bỏ vốn vào Ngân hàng, nhưng suốt 3-4 năm qua chưa thực hiện được.

Còn nhà đầu tư trong nước, năm 2013, 2 đợt bán đấu giá cổ phần của Vietnam Airlines tại Techcombank; của EVN tại ABBank đã thất bại hoàn toàn vì không có nhà đầu tư tham gia.

Diễn biến thị trường và nền kinh tế hiện nay đã tích cực hơn so với trước đây, nhưng khả năng mua lô lớn qua đấu giá và thỏa thuận trong lĩnh vực ngân hàng vẫn mờ mịt.

Con đường thứ ba là bán cho SCIC. Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, sau khi Chính phủ có chủ trương SCIC tham gia vào việc thoái vốn đầu tư tại các ngân hàng, SCIC đã rà soát lại sức khỏe của các ngân hàng thuộc diện thoái vốn. Song mức độ mới chỉ ở việc tiếp cận qua các thông tin được công bố. Như một nhà đầu tư tính đến cả hiệu quả, SCIC cho biết họ chỉ tham gia vào những ngân hàng có tiềm năng và quan trọng là lành mạnh.

“SCIC coi đây là một khoản đầu tư, có thể chỉ nắm giữ trong ngắn hạn, khi điều kiện thị trường phù hợp, chúng tôi có thể thoái vốn”, ông Đạo nói. Sẵn tiền, mong muốn tìm kiếm được những cơ hội tốt, nhưng việc tham gia vào tiến trình này của SCIC lại phụ thuộc vào 2 yếu tố: ý chí của NHNN và bản thân các tập đoàn, TCT liệu đã sẵn sàng buông “con” thời điểm này hay còn níu kéo thêm thời gian nữa?

Anh Việt

{fcomment}