Thông tin quản trị công ty: Điểm yếu trong báo cáo thường niên

 “Khoảng 10% các công ty có báo cáo thường niên (BCTN) lọt vào vòng chung kết đã thực sự gửi gắm thông điệp quản trị có nội dung xuyên suốt tới các nhà đầu tư, chứ không dừng lại ở tính hình thức.   

Thông tin quản trị công ty: Điểm yếu trong báo cáo thường niên

Các DN còn lại cần nhiều sự nỗ lực về nội dung quản trị”. Con số định lượng của bà Nguyễn Nguyệt Anh, thành viên Hội đồng bình chọn BCTN năm 2014 cho thấy, dù có những gương sáng nổi lên nhưng chiếm số nhiều trên TTCK vẫn là những công ty ở mức dưới trung bình khi thực hiện nội dung quản trị công ty trong BCTN. Bà Nguyệt Anh là cán bộ phụ trách chương trình Quản trị công ty, Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC Việt Nam).

Xin bà cho biết, nội dung quản trị công ty trong các BCTN năm nay có tiến bộ hơn năm trước ở những nội dung nào?

Nội dung quản trị công ty trong các BCTN năm nay tiếp tục theo sát quy định của Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin trên BCTN áp dụng cho các công ty đại chúng.

Quản trị công ty thực sự trở thành một góc thông tin quan trọng không thể thiếu trên bất kỳ một báo cáo nào. Các công ty đang dần dần đưa những thông lệ quản trị tốt vào trong BCTN.

Một số công ty có bước tiến vượt bậc khi biết khai thác BCTN như một kênh thông tin kết nối tới các nhà đầu tư và trình bày các thông tin có nội dung quản trị công ty trong báo cáo theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Khoảng 10% các công ty có báo cáo lọt vào vòng chung kết đã thực sự gửi gắm thông điệp quản trị có nội dung xuyên suốt tới các nhà đầu tư, chứ không dừng lại ở tính hình thức.

Còn đâu là các điểm yếu về quản trị công ty thể hiện trong BCTN năm nay?

Trong tổng số trên 100 công ty lọt vào vòng chung khảo của giải, bên cạnh một số ít công ty đã có những bước tiến dài về công bố thông tin quản trị tốt, thì có khoảng 60% công ty có số điểm dưới mức trung bình về nội dung quản trị.

Nguyên nhân chính cho kết quả đáng tiếc này là do quản trị công ty chưa được chú trọng trên BCTN theo các nội dung quy định trong Thông tư 52, đặc biệt đối với các thông tin liên quan đến cơ cấu và hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát.

Nhiều công ty chưa chú trọng việc tuân thủ và áp dụng các thông lệ quản trị hiệu quả liên quan đến thành viên HĐQT không điều hành, thành viên HĐQT độc lập và các ủy ban trực thuộc HĐQT.

Một số thông tin cung cấp trong các báo cáo còn cho thấy hiểu biết của các công ty về quản trị công ty còn khá hạn chế và sơ sài.

Nói ngắn gọn thì một BCTN có nội dung quản trị công ty tốt cần đạt được tiêu chí gì, thưa bà?

Một BCTN có nội dung quản trị công ty tốt phải cung cấp thông tin cho người đọc hiểu một cách đầy đủ về cơ cấu sở hữu, chiến lược của công ty, các quy trình và con người tham gia vào cơ cấu quản trị từ cấp HĐQT, Ban kiểm soát đến Ban điều hành; về sự tham gia hiệu quả của từng thành phần trong cơ cấu quản trị đó cũng như các chính sách và mức lương thưởng tương xứng cho các thành viên.

Ngoài những thông tin theo quy định hiện hành, công ty có thể tự nguyện công bố các thông tin thêm về mô hình và chính sách nội bộ về quản trị công ty như cơ chế kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro, vai trò của công ty kiểm toán độc lập bên ngoài, bộ quy tắc đạo đức kinh doanh và các cam kết mang tính tự nguyện đối với việc thực hiện các thông lệ quản trị công ty tốt.

Năm nay, đúng như mong muốn, Ban giám khảo đã thực sự hài lòng khi chọn ra một công ty có số điểm cao nhất về nội dung quản trị công ty để trao giải: Vinamilk.

Qua các nội dung thể hiện trên BCTN về tính hiệu quả trong hoạt động của Ban kiểm soát, HĐQT và Ban điều hành cũng như các nội dung quản trị quan trọng khác, người đọc có thể hiểu được cam kết xây dựng quản trị công ty tốt là một cam kết có chiều sâu và mang tính tự nguyện.

Các chuẩn mực quản trị tốt của quốc tế về thành viên HĐQT độc lập, thành viên HĐQT không điều hành và các ủy ban trực thuộc HĐQT (trong đó có ủy ban kiểm toán) đã được công ty vận dụng một cách linh hoạt và thể hiện rõ nét trên BCTN.

Làm thế nào để một DN có thể lập BCTN tốt nhất ở nội dung quản trị công ty?

Hiên tại, các tiêu chí chấm đối với nội dung quản trị công ty của Cuộc bình chọn BCTN được xây dựng trên các quy định hiện hành về công bố thông tin và quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng niêm yết như Thông tư số 52/2012/TT-BTC và Thông tư số 121/2012/TT-BTC.

Việc hiểu biết, giám sát tuân thủ các quy định pháp lý và đưa các nội dung báo cáo theo chuẩn quy định sẽ giúp cho các công ty đạt được mức điểm sàn tương đối về mặt số lượng để ghi điểm đối với các tiêu chí chấm của mảng này.

Tuy nhiên, để đạt được điểm về mặt chất lượng của thông tin trên báo cáo, các công ty cần thể hiện rõ nét các cam kết của mình đối với việc thực hiện quản trị công ty tốt, đặc biệt là việc công ty tự nguyện công bố thông tin cho thị trường vì lợi ích thiết thực của chính mình.

Để làm được điều này, công ty nên tự xây dựng cho mình một cơ chế quản trị hoạt động lành mạnh và hiệu quả theo thông lệ quốc tế tốt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

So với mặt bằng các nước trong khu vực thì nội dung quản trị công ty ở các BCTN năm nay ở mức độ nào, theo bà?

Tiêu chí chấm của giải được xây dựng dành cho các công ty đại chúng niêm yết tại Việt Nam và hiện tại, chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu hay phân tích, so sánh kết quả chấm này so với các nước trong khu vực. Dựa trên kết quả điểm chấm năm nay và xét về mặt tổng thể, các công ty của Việt Nam chỉ đạt mức điểm dưới trung bình và do đó, vẫn còn thấp hơn nhiều khi chúng ta so sánh với các công ty của Thái Lan hay Malaysia.

Kết quả này không tiến xa hơn so với kết quả khảo sát về thẻ điểm quản trị công ty năm 2012 của IFC (Lĩnh vực D - Công bố và minh bạch thông tin có kết quả điểm trung bình là 40,1%). Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý là có một số công ty Việt Nam đạt điểm về nội dung quản trị khá cao bởi vì họ đã tiên phong đưa các thông lệ quản trị quốc tế tốt vào áp dụng và truyền tải được thông điệp này trong BCTN của mình.

Có thể tham khảo thêm kết quả Dự án thẻ điểm quản trị công ty ASEAN của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng cho 6 nước trong khu vực bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam để biết vị trí của DN Việt Nam.

IFC sẽ làm gì trong năm nay để thúc đẩy thực thi quản trị công ty tốt ở Việt Nam?

Qua 5 năm hỗ trợ để nâng cao các thực tiễn quản trị công ty tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy HĐQT của các công ty Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò và bổn phận của mình.

Để quản trị tốt hơn, HĐQT phải thực sự khách quan, chuyện nghiệp và hoạt động vì lợi ích cao nhất của công ty và của các cổ đông.

HĐQT phải thể hiện vai trò và quyền lực của mình thông qua việc đề ra chiến lược cho công ty, bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, giám sát bộ máy điều hành và các hoạt động tài chính của công ty.

Hiện tại, IFC đang triển khai giai đoạn 2 của Dự án nâng cao năng lực quản trị công ty tại Việt Nam, tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức về các thông lệ quản trị công ty tốt về HĐQT, về cơ chế kiểm soát và minh bạch công bố thông tin.

IFC sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận từ các công ty đại chúng niêm yết sang các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa.

Thu Hương

{fcomment}