Tín dụng ngoại tệ tăng cao, có đáng lo?

 Lãi suất vay ngoại tệ chỉ bằng khoảng 1/3 so với lãi suất vay tiền đồng chính là lý do hấp dẫn các DN và khiến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn hẳn tín dụng VND. Điều này dẫn tới lo ngại về tình trạng DN vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm lãi suất cao.

Tín dụng ngoại tệ tăng cao, có đáng lo?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, tình trạng chưa đến mức phải cảnh báo, vì tín dụng ngoại tệ vẫn trong tầm kiểm soát và không phải đối tượng nào cũng được tiếp cận vốn ngoại tệ.

Dư nợ USD tăng cao

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho thấy, ước 8 tháng đầu năm nay, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng 4,68% so với đầu năm. Nhưng trong đó, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng tới 11% so với đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ ở mức cao, nhưng ở chiều ngược lại, huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng chỉ mới chuyển sang trạng thái dương. Ước 8 tháng đầu năm nay, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ tăng hơn 1% so với đầu năm.

Báo cáo của ANZ Research mới đây cũng nhận định, nhu cầu tín dụng ngoại tệ ở mức cao do lãi suất USD thấp hơn đáng kể so với VND và sự kỳ vọng tỷ giá tiếp tục ổn định. Thêm vào đó, cam kết của NHNN về việc tiếp tục giữ tỷ giá USD ổn định đã khuyến khích tăng trưởng tín dụng ngoại tệ.

Thực tế, dòng vốn FDI ổn định và thặng dư thương mại các năm gần đây giúp tỷ giá chỉ tăng 1% trong năm 2013 và thêm 1% nữa hồi tháng 6/2014. Đồng thời, NHNN cũng cam kết chỉ tăng tỷ giá tối đa 2% trong năm 2014 nên các DN đi vay USD không còn nhiều lo ngại chịu rủi ro về khả năng trả nợ do biến động tỷ giá.

Theo ANZ Research, đó chính là lý do khiến trong con số tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm đạt 4,33% so với cùng kỳ năm ngoái, khoản vay VND chỉ tăng 3,06% và các khoản vay bằng USD (dù chỉ chiếm 17% tổng dư nợ) đã tăng 10,56%, cao hơn 3 lần so với các khoản vay VND.

NHNN cũng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 12,03% so với cuối năm 2013, nhưng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 3,52%. ANZ Research cho rằng, các khoản vay ngoại tệ đã tăng trưởng tốt sau khi NHNN ban hành Thông tư 29/2013/TT-NHNN, có hiệu lực từ đầu năm 2014.

Đây được xem là một nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vì các quy định mới đã mở rộng danh sách các nhóm DN được vay vốn ngoại tệ. Cụ thể, các TCTD có thể tài trợ ngoại tệ cho một số lĩnh vực được khuyến khích sau khi có sự chấp thuận của NHNN. Khoản vay có thể được chuyển đổi thành VND để sử dụng, không cần đảm bảo bởi nguồn thu ngoại tệ như trước đây.

Trong khi đó, huy động vốn bằng USD lại không tăng trưởng tốt như các khoản vay. Nguyên nhân chính do trần lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ đã được điều chỉnh xuống mức thấp 1%/năm, khuyến khích người dân gửi tiết kiệm bằng VND nhiều hơn khi trần tiết kiệm tiền đồng vẫn ở mức 6%/năm. Người dân và DN giảm dự trữ ngoại tệ, chuyển sang tiền VND để đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chính sách giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Theo số liệu của IMF, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam đã giảm xuống 17,8% vào tháng 4/2014, từ mức 19,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của NHNN, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với huy động làm cho tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) bằng ngoại tệ đã tăng lên với mức 88,5%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ LDR bằng VND là 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ này (88,5%) của Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình 91,3% của 5 nước ASEAN có thống kê. ANZ Researh nhận định, nếu duy trì tình trạng hiện nay, các ngân hàng có nguy cơ đối mặt với rủi ro mất cân xứng tiền tệ (giữa VND và USD) trong 18 tháng tiếp theo. Theo ANZ Researh, những khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiện tại có thể dẫn đến mất cân đối tiền tệ.

Đánh giá được đưa ra từ Nhóm nghiên cứu Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong tháng 6 vừa qua cũng cho rằng, thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định. Điều đáng lo ngại hơn khi tín dụng ngoại tệ tăng cao, theo một chuyên gia tiền tệ, là khó tránh hiện tượng một số DN trong lĩnh vực xuất khẩu vay vốn bằng ngoại tệ sau đó bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tiền gửi ở mức cao.

Có đáng lo ngại?

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN nhận định, dù có thể xảy ra một số trường hợp này, nhưng sẽ rất ít, vì hiện cơ chế thanh tra, thẩm định để cung ứng tín dụng ngoại tệ cho DN được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ, kỹ lưỡng. Nếu vi phạm, ngân hàng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm trước NHNN.

Mặt khác, với các hợp đồng tín dụng ngoại tệ lớn, trước khi ngân hàng ký với DN đều phải có sự phê duyệt của NHNN. Đồng thời, dòng vốn ngoại tệ trước và sau khi trao cho DN sẽ được NHTM theo dõi chặt chẽ vào đúng mục đích sử dụng vốn, nên rất khó có thể lọt được tình trạng vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm.

Theo ông Kiêm, tín dụng USD tăng mạnh chưa đáng lo ngại. Bởi một khi lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ có sự khác biệt rõ nét, cộng với tỷ giá ổn định sẽ có sự dịch chuyển nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, khi lãi suất tiền đồng được duy trì ở mức cao hơn so với ngoại tệ, cộng với tỷ giá được NHNN cam kết ổn định, sẽ xuất hiện nhiều người đã dịch chuyển từ ngoại tệ sang gửi tiết kiệm tiền đồng. Điều này được chứng minh khi tiết kiệm tiền đồng tăng mạnh trong 8 tháng qua, còn tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ vẫn âm trong thời gian dài, bởi lãi suất tiết kiệm ngoại tệ hiện nay đã được giảm xuống mức kịch sàn.

“Tín dụng ngoại tệ tăng do lãi suất cho vay vốn USD chỉ khoảng 2 - 3%/năm đối với vốn ngắn hạn và 4 - 5%/năm vốn trung, dài hạn. So với lãi vay tiền đồng, sử dụng vốn ngoại tệ vẫn có lợi hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là DN nào cũng được tiếp cận vốn vay bằng ngoại tệ mà phải có điều kiện kèm theo”, ông Kiêm nói và cho rằng, hiện dự trữ ngoại tệ Việt Nam khá dồi dào, đủ sức để can thiệp vào thanh khoản ngoại tệ, đồng thời việc kiểm soát và giám sát thị trường ngoại tệ khá chặt chẽ.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cũng cho rằng, nếu nhìn vào chỉ số thì sẽ thấy tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao và nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng.

Tuy nhiên, nếu phân tích sâu về nghiệp vụ và dưới góc độ quản lý, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thời gian qua diễn ra bình thường, phản ánh những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu. Tín dụng ngoại tệ tăng phản ánh hoạt động sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt.

Bởi lẽ, tín dụng ngoại tệ là tín dụng có điều kiện, chỉ các đối tượng DN, các dự án sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu, có đủ các điều kiện vay ngoại tệ, mới được tiếp cận nguồn vốn này.

Chỉ tính riêng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 7 trên địa bàn tăng 9,7% so với cuối năm 2013, nhưng khối ngân hàng nước ngoài - nơi có nhiều DN xuất nhập khẩu, DN FDI lớn so với các khối ngân hàng khác, tăng 7,7%.

Đồng thời, nhu cầu vay ngoại tệ đang dịch chuyển dần và được đáp ứng qua hoạt động mua bán ngoại tệ để thanh toán ngày càng mở rộng. Tổng doanh số mua bán ngoại tệ 7 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đã đạt trên 60% so với cả năm 2013.

Thùy Vinh

{fcomment}