Tín dụng tiêu dùng sẽ thực sự bùng nổ trong năm 2016

 Mặc dù tín dụng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây, song theo các nhận định đưa ra, năm 2016 mới thực sự là năm bùng nổ của tín dụng tiêu dùng.

Tín dụng tiêu dùng sẽ thực sự bùng nổ trong năm 2016

Ông Sanjay Chakrabarty, Tổng giám đốc Công ty Prudential Finace cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã và đang trên đà phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu từ báo cáo của StoxPlus, tốc độ tăng trưởng thị trường ghi nhận ở mức 18% trong năm 2014.

Theo ông Sanjay, trong bối cảnh hiện nay, dưới sự tác động của những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, ngành tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh vào năm 2016. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng đang chuyển từ mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp sang mảng bán lẻ và cho vay tiêu dùng cá nhân, mua, sửa chữa nhà cũng tạo nên những tác động không nhỏ đến tiềm năng thị trường.

“Hàng loạt các thương vụ M&A thực hiện thành công trong năm 2015 giữa ngân hàng thương mại và công ty tài chính trong nước được coi như một tín hiệu tích cực từ phía các ngân hàng mở rộng mảng sản phẩm này. Trong khi đó, các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với thị trường, cũng như tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Thị trường tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết trong năm 2016. Các doanh nghiệp như Prudential Finance sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh cao, dẫn đến phải điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi của thị trường”, ông Sanjay nói.

Cũng theo ông Sanjay, đây cũng là lý do các công ty tài chính hiện tại sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh trong ngành. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống: cho vay mua xe máy, điện thoại di động, đồ gia dụng, các công ty tài chính sẽ lấn sân sang các mảng tiềm năng như dịch vụ bán lẻ trực tuyến để tận dụng tối đa lợi thế của thương mại điện tử.

Về mô hình kinh doanh, các công ty tài chính đang áp dụng triệt để công nghệ cao nhằm cải thiện kênh phân phối, thanh toán cũng như hình thức thu hồi các khoản vay, đồng thời ứng dụng ví điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong các công ty tài chính, chưa kể tới việc công ty tài chính bắt đầu phát hành thẻ tín dụng.

Ông Kalidas Ghose, Giám đốc điều hành FE Credit cho biết, ngày 14/12/2015, Công ty vừa ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng dành cho phân khúc khách hàng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trước mắt, Công ty thí điểm phục vụ trước cho khách hàng đã và đang có khoản vay với FE Credit tại 2 khu vực TP. HCM và Bình Dương.

Theo ông Kalidas, sản phẩm này ra đời nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng cho chi tiêu, mua sắm ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được cho là sẽ bùng nổ trong những năm tới khi tình hình kinh tế dần sáng lên. Tuy nhiên, để thành công cần có các yếu tố chủ chốt như phát triển bộ sản phẩm phong phú để phục vụ nhu cầu khác nhau của các phân khúc khách hàng; thiết lập mạng lưới kênh phân phối đa dạng giúp khách hàng tiếp cận với sản phẩm; tập trung quản trị rủi ro chặt chẽ do đặc điểm của ngành này là nợ xấu đánh giá ở mức cao.

Theo nhận định của ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, tín dụng tiêu dùng là một giải pháp cho nhu cầu tài chính của nhóm khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng, song thị trường tương đối mới mẻ này vẫn tiềm ẩn rủi ro mà cả bên cho vay và người đi vay cần phải suy xét.

Thông thường, người tiêu dùng chỉ nhìn vào tiện ích của dịch vụ mà không xem xét kỹ càng đến khả năng trả nợ, hay sự cần thiết của khoản vay, dẫn đến chi tiêu vượt quá khả năng trả nợ. Đến khi lâm vào cảnh nợ nần, chậm trễ trong thanh toán, người vay mới bắt đầu xem lại hợp đồng và than phiền về vấn đề lãi suất, phí phạt... thay vì chủ động trao đổi với nhân viên tư vấn về các yếu tố này trước khi quyết định ký kết.

Mặt khác, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có phần cao hơn ngân hàng cũng có lý do. Thông thường, có những yếu tố sau đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng khiến sản phẩm cho vay này cao hơn so với sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng.

Thứ nhất là chi phí vốn của TCTC cao do không có chức năng huy động vốn.

Thứ hai là giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.

Thứ ba là do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, khi bóc tách các chi phí sẽ thấy mức lãi suất là hợp lý và lợi nhuận từ một khoản vay sẽ tương đối phù hợp so với chi phí mà công ty phải trả. Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của công ty tài chính được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau, tùy vào chất lượng hồ sơ khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp. Mức độ rủi ro được xác định theo các tiêu chí: mức thu nhập, lịch sử tín dụng, đối tượng khách hàng…

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các công ty tài chính và ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế sự tăng trưởng của tín dụng “đen”. Tuy nhiên, trước mắt, các công ty tài chính đang từng bước chiếm lĩnh thị phần khi tín dụng tiêu dùng được nhận định sẽ còn bùng nổ.

Các yêu cầu đối với hồ sơ vay của công ty tài chính thường đơn giản nên nhiều khách hàng không quan tâm nhiều trong quá trình vay, đến khi trả nợ mới xem xét kỹ. Theo TS Nghĩa, để giúp người dân tiếp cận gần hơn với vốn tiêu dùng, lãi suất cho vay cần được các công ty tài chính xem xét ở mức phù hợp hơn, thay vì ở mức cao 40-50%/năm như hiện nay.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán