Tín dụng tín chấp, từ chủ trương tới thực tế còn xa!

 Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chỉ đạo các TCTD thực hiện Chỉ thị 11 của của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN; trong đó, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo.

Tín dụng tín chấp, từ chủ trương tới thực tế còn xa!

Chủ trương này nhằm kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ì ạch, song ghi nhận từ các nhà băng cho thấy, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng hiện tại, nếu không tài sản đảm bảo, khách hàng đừng mơ tiếp cận vốn vay.

Ngân hàng ngại cho vay tín chấp...

Cho vay không tài sản đảm bảo hay còn gọi là cho vay tín chấp thực ra đã được các ngân hàng triển khai từ lâu. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, hầu hết nhà băng đã ngưng cho vay tín chấp đối với khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng DN, các nhà băng cũng rất hạn chế cho vay tín chấp và chỉ cấp vốn cho DN tốt, trong khi các DN này lại ít có nhu cầu vốn, do tồn kho và sức mua yếu.

Hiện tại, nếu không có tài sản đảm bảo, khách hàng DN, nhất là DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Thực tế, vay vốn tại TCTD và dư nợ tín dụng đối với khu vực này liên tục giảm trong những năm gần đây. Một phần, do DN đã thế chấp hết tài sản đã có và hiện không thể dùng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay. Đến cuối năm 2013, tín dụng cho các DN vừa và nhỏ chỉ tăng khoảng 0,95% so với cuối năm 2012. Theo số liệu của NHNN, chỉ có chưa đầy 36% số DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, nhiều khi làm việc với DN vừa và nhỏ, Ngân hàng cảm thấy rất tiếc vì có những DN có dự án rất tốt, nhưng không đáp ứng đủ điều kiện cho vay. Điều kiện không đủ ở đây là thiếu tài sản thế chấp, hoạt động thiếu minh bạch... Do đó, theo ông Tùng, cần lập một trung tâm hỗ trợ cho vay DN vừa và nhỏ để có cơ sở, dữ liệu giúp DN và ngân hàng mạnh dạn cho vay.

Với ngân hàng có quy mô lớn, nguồn vốn dôi dư và đang đẩy mạnh cho vay như Vietcombank, nhưng khi đề cập đến việc cho vay không tài sản đảm bảo, nhất là với đối tượng khách hàng DN vừa và nhỏ, lãnh đạo Chi nhánh TP. HCM của ngân hàng này thẳng thắn cho hay, quan trọng nhất phải là kiểm soát được chất lượng tín dụng và vì vậy cần khách hàng cần phải có tài sản đảm bảo. Dù đã đẩy mạnh cho vay, nhưng theo vị lãnh đạo này, dư nợ DN vừa và nhỏ chỉ chiếm 5,8% trên tổng dư nợ của Chi nhánh, mà nguyên nhân cũng là khách hàng không đáp ứng được điều kiện tín dụng.

Kể cả với những ngân hàng có tỷ lệ tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cao như Agribank cũng không dám mạnh tay cho vay tín chấp.

Ông Lê Trung Hậu, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Hóc Môn (TP. HCM) cho biết, tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh hiện chiếm đến 63% trên tổng dư nợ (2.197 tỷ đồng tính đến hết quý II/2014); trong đó, tỷ lệ dư nợ cho vay tín chấp chỉ chiếm khoảng 200 tỷ đồng trên tổng dư nợ và chủ yếu cho vay đối với các khoản tín dụng nhỏ từ 50 triệu đồng trở xuống do e ngại rủi ro nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank Chi nhánh Hóc Môn tính đến cuối quý II/2014 là 7,75% so với cuối năm 2013 là 3,7%.

... Vì rủi ro nợ xấu cao

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho rằng, sở dĩ ngân hàng ông bán được nhiều nợ xấu cho VAMC trong thời gian qua chính vì do các khoản nợ đó điều có tài sản đảm bảo tốt và chủ yếu là bất động sản. VAMC cũng chỉ mua những khoản nợ xấu của ngân hàng nếu có tài sản đảm bảo tốt. Do đó, theo vị tổng giám đốc trên, việc NHNN yêu cầu xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường cho vay tín chấp là điều kiện để tăng trưởng tín dụng, nhưng không phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay khi nợ xấu vẫn gia tăng.

Rủi ro nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cao, trong khi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thu hẹp khiến các ngân hàng chùn tay trong việc đẩy mạnh tín dụng. Ông Lê Trung Hậu, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Hóc Môn cho biết, chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra trong cho vay nông nghiệp hiện chỉ còn 0,17% so với mức 0,25% của năm 2013, lãi suất chỉ còn 7%/năm, song 7 tháng đầu năm, tín dụng của Chi nhánh mới tăng 1% so với đầu năm.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, không phải đến thời điểm này, các ngân hàng mới bắt đầu xếp hạng tín nhiệm để cho vay tín chấp mà hoạt động tín dụng không tài sản đảm bảo đã được các ngân hàng triển khai từ rất lâu.

Chủ trương của NHNN đưa ra là nhằm tái khẳng định điều đó, đặc biệt là nhằm kích cầu tín dụng trước tình hình tín dụng vẫn trong xu hướng tăng chậm, do sức mua của thị trường và tồn kho chưa cải thiện. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm và quyết định trao vốn là hoàn toàn do các ngân hàng quyết định. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp các ngân hàng cũng phải kiểm soát được rủi ro, vì người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn chính là ngân hàng.

Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, điều đó còn phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, ngân hàng không thể đơn phương kích cầu tín dụng, dù đã nỗ lực lớn trong khơi thông vốn và giảm lãi suất hay đẩy mạnh cho vay tín chấp.

Trong khi đó, nội dung báo cáo vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra cho rằng, lãi suất có điều kiện giảm tiếp để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Theo cơ quan này, lạm phát ổn định như hiện nay sẽ là cơ sở để NHNN có thể hạ thêm lãi suất, hỗ trợ DN, nhất là khối tư nhân. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một trong những nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân khó tăng là tăng trưởng tín dụng quá thấp. Sau 6 tháng, vốn ngân hàng bơm ra nền kinh tế mới tăng trưởng 3,52% (trong khi cùng kỳ tăng 4,7%).

Thùy Vinh

{fcomment}