Trăm năm lại nhớ Hoàng Cầm, thương Lá diêu bông

'Bên kia Sông Đuống', 'Lá diêu bông'... được nhiều người nhắc tới, khi nhớ về một con người tài hoa.

Hoàng Cầm, tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, nhà thơ của vùng đất Kinh Bắc thêm một lần sống lại trong ký ức của bao người, khi ngày 22/2 vừa qua đúng tròn 100 năm ngày sinh của ông.

Nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thi sĩ đích thực, thuần khiết

“Tôi cảm giác trong đời sống, trong thi ca, kể cả những lúc khó khăn nhất, thách thức nhất, Hoàng Cầm đã sống một đời sống thuần khiết nhất. Thi ca của ông cũng là một tinh thần thuần khiết nhất”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phác họa chân dung nhà thơ của vùng đất Kinh Bắc như thế, khi nhắc về ông.

Chẳng riêng Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha - nhà thơ, nhạc sĩ có nhiều năm gắn bó với tác giả “Lá diêu bông” cũng chia sẻ, Hoàng Cầm là một trong rất ít những thi sĩ đích thực.

Không chỉ trong thơ mà trong cả đời sống, từ những thói quen, cách hành xử của ông cũng mang đậm chất thi sĩ mà không phải ai cũng có được.

“Từ cách ứng xử nhỏ bé nhất như cách cầm ly rượu hay cách nói chuyện với bạn bè của Hoàng Cầm đều toát lên phong thái và tinh thần thi sĩ rất tự nhiên”, ông nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhớ lại, năm 1999, ông có dịp bố trí để nhà thơ Hoàng Cầm đi vào Quy Nhơn.

Trong suốt 10 ngày sống chung ở vùng Bãi Dài (Quy Nhơn) với thiên thiên hoang vu, chỉ có suối, có núi và có biển, nhạc sĩ Thụy Kha mong Hoàng Cầm sẽ làm được tác phẩm nào đó về mảnh đất này.

Thế nhưng, không có tác phẩm nào cả! Nếu như nhạc sĩ Văn Cao vào Quy Nhơn đã ngay lập tức viết được: “Từ trời xanh/rơi/vài giọt tháp Chàm/Quanh Quy Nhơn/ Tôi/như đứa trẻ yêu huyền thoại”, thì Hoàng Cầm không có động tĩnh.

“Hoàng Cầm rất nặng nghĩa với Kinh Bắc. Có vẻ ông vào đó chỉ để khám phá thêm điều mới, nhưng để rung động được thì không. Đó cũng là một phẩm chất thi sĩ”, nhạc sĩ Thụy Kha nhận định.

Một câu chuyện khác cũng bộc lộ rõ phẩm chất thi sĩ đầy lãng mạn của Hoàng Cầm. Năm 1993, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đi làm phim tư liệu về Hoàng Cầm.

Thay vì đi ô tô hay xe máy, ông đã sắp xếp thuê một chiếc xe ngựa, bởi ông cảm thấy đó mới là “chất” của Hoàng Cầm.

Quả nhiên, nhà thơ xứ Kinh Bắc vô cùng thích thú. Mấy thầy trò cứ ngồi trên xe ngựa lọc cọc đi quay phim. Hoàng Cầm bảo: “Tại sao lại nghĩ được ra chuyện hay như thế nhỉ?”.

Một nhân cách sống đặc biệt

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán kể, cách đây nhiều năm, khi ông mới xuất ngũ đã cầm máy ảnh đi đến tìm các văn nghệ sĩ tài giỏi mà mình biết qua sách vở như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần...

Thời điểm đó, những văn nghệ sĩ này đang gặp khó khăn do bị quản thúc. Nhiều người muốn đến mà không dám đến, lại có người đến nhưng không được tiếp. Thế nhưng, Nguyễn Đình Toán may mắn khi đến là được các văn sĩ này tiếp đón, trong đó có Hoàng Cầm.

Theo lời vị nhiếp ảnh gia, ông luôn được người thi sĩ yêu quý như người trong nhà. Hễ gia đình ông có việc gì, Hoàng Cầm đều đến hoặc nếu không đến được, nhà thơ sai các con của mình sang.

Điều đó càng khiến Nguyễn Đình Toán cảm kích và kính trọng hơn nhân cách sống của Hoàng Cầm.

Cuộc đời của nhà thơ xứ Kinh Bắc không hề oán hận, trách móc ai mà chỉ luôn nghĩ rằng số phận của mình như thế.

Thời điểm nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007, có nhiều lời ra tiếng vào, nhưng Hoàng Cầm vẫn vui vẻ nhận giải.

Tính cách ấy của ông còn được bộc lộ trong mối quan hệ gia đình.

Theo lời Nguyễn Đình Toán, Hoàng Cầm từng có 3 người vợ. Trong số đó, có người vợ đã có con riêng.

Dẫu vậy, các con cháu của ông đối xử với nhau và đối với bố, với ông đều một lòng kính trọng, yêu thương, gắn kết. “Ông phải sống thế nào thì con cái mới như vậy!”, nhiếp ảnh gia thổ lộ.

Sống trong cõi mộng nhiều hơn cõi thực

Chẳng phải ngẫu nhiên, Hoàng Cầm lại trở thành một trong những tên tuổi lớn của nền thi ca Việt Nam thế kỷ XX. Với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, ông là một thi sĩ đặc biệt, “trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, và trong một nền thi ca nhiều đặc biệt”.

Cái đặc biệt của thi ca Hoàng Cầm, một phần bởi những vần thơ đầy huyền ảo của ông. Người ta nói, Hoàng Cầm sống trong cõi ảo nhiều hơn cõi thực.

Chính ông lúc sinh thời cũng từng kể lại, nhiều bài thơ đã vụt đến trong đêm khuya. Khi lên giường đi ngủ, bao giờ ông cũng để bên phía tay trái một tập giấy trắng và tay phải cầm cái bút chì.

Và “hễ không ngủ được, tâm tư lan man, đâu đâu mà bỗng nghe vẳng một câu dẫu chỉ là một câu bâng quơ, tôi phải ghi ngay lập tức”.

Viết vào đêm khuya trong tâm thức như “nhập đồng” nên thơ Hoàng Cầm cũng ảo mộng, mông lung. Sự mông lung đó đã làm nên chiếc “lá diêu bông” mà nhạc sĩ Trần Tiến từng phải thừa nhận với Hoàng Cầm: “Anh đã thắp lại cho bọn em một mộng mơ đáng để sống”.

Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định với Báo Giao thông, Hoàng Cầm có một thế giới thơ riêng. Thế giới ấy được bồi đắp bởi quê hương văn hóa Kinh Bắc phong phú, nhiều huyền tích.

Trong đời sống thường ngày, ông luôn thoải mái chia sẻ với các anh em bạn bè về thơ, nhưng lúc nào cũng giữ cho riêng mình một cõi - như một cõi thiêng, cõi riêng của bản thân.

“Sau lần gặp nạn, Hoàng Cầm cũng vin vào thơ, như một cách tìm nơi trú ngụ để quên đi đời thực. Do đó, trong đời sống và thơ ca, ông ít khi để ý đến chuyện đời thực, không tìm những vấn đề nóng hổi của cuộc sống để viết như những nhà thơ khác”, ông nhận định.

Cũng theo nhà phê bình, thơ Hoàng Cầm viết trong ánh nhìn của “mắt thời gian”.

Con mắt thơ của Hoàng Cầm nhìn xuyên thời gian, xuyên các tầng các lớp văn hóa của một miền quê quan họ, của một vùng đất thấm đẫm những huyền sử, huyền tích, huyền tình; những câu chữ buông bắt, đung đưa, luyến láy, bằng những vần thơ thiết tha, nồng nàn, buồn dài vui ngắn, nhiều thương lắm nhớ.

“Trên hết, có một mạch nguồn cảm xúc tâm tư dạt dào, lai láng, không bao giờ vơi cạn chảy từ lòng đất, lòng người Kinh Bắc tưới nhuần thơ Hoàng Cầm”, Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận.

Nhà thơ Hoàng Cầm (tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922, mất ngày 6/5/2010). Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tập thơ Bên kia sông Đuống (1993), Lá diêu bông (1993) và 99 tình khúc (1995). Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam.

Thơ ông hấp dẫn các thế hệ người đọc khác nhau, vì ngoài những tìm tòi cách tân về nghệ thuật, ông vẫn giữ cho riêng mình một vốn ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng Kinh Bắc, độc đáo, tài hoa. Ngoài thơ, ông còn viết cả kịch.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tram-nam-lai-nho-hoang-cam-thuong-la-dieu-bong-d543651.html