TS Lê Đăng Doanh: Tính vống GDP để nhóm lợi ích lũng đoạn

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều địa phương lấy con số GDP để đánh bóng thành tích, biến con số này thành con số che dấu cho lợi ích nhóm lũng đoạn.

 

Câu chuyện về cách tính GDP (tổng sản phẩm quốc nội) không phải là mới nhưng việc mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn thừa nhận: “Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay là không xác thực và so với quốc tế thì không giống ai cả”, đây được xem là một thông điệp mới cho một chuyện cũ.

GDP, kinh tế, tăng trưởng, thống kê
Độ tin cậy về con số GDP của địa phương đã từng được mổ xẻ tại nhiều diễn đàn.
Nói cũ là bởi, cách đây nhiều năm, từ diễn đàn Quốc hội nhiệm kỳ trước, độ tin cậy về con số GDP của địa phương đã từng được mổ xẻ.


“Ông nghị” Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khi trao đổi với báo chí tại kỳ họp vào tháng 10/2008 đã quả quyết rằng nhiều tỉnh hiện tính chỉ tiêu tăng trưởng không chính xác.

Ông dẫn ra rằng: "Nếu hơn 60 tỉnh thành, nơi nào cũng tăng trưởng 9% đến 10% trở lên, nếu cộng lại bình quân thì làm sao mà cả nước mình chỉ có 6,52% trong 9 tháng vừa rồi?", câu hỏi rất gần với băn khoăn của Thủ tướng hôm nay đã được ông Hà đặt ra từ 6 năm về trước.

 

Chấm dứt cách tính GDP tại các tỉnh hiện nay là hành động dũng cảm và cần thiết, để hạn chế tình trạng đầu tư công dàn trải.

TS Lê Đăng Doanh
 
Và liên tục các năm sau, cách tính GDP như thế nào cho thực chất hơn, minh bạch hơn vẫn luôn là vấn đề được đặt ra.


Cuối năm 2011, Trưởng ban Thể chế kinh tế của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong một lần chia sẻ với báo giới đã phải thốt lên "nếu địa phương cũng tính được GDP thì quả là... quá giỏi".

Đó là vì, việc tính GDP phải trừ đi những phần trùng lắp tương đối nhiều mà địa phương khi tính đã không loại trừ và nếu có muốn loại trừ cũng không có đủ khả năng để loại trừ.

Tính trùng dẫn đến tăng trưởng ảo cũng là một nguyên nhân được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi nói về sự cần thiết phải thay đổi cách tính GDP ở địa phương.

"Tính sai GDP sẽ dẫn đến nhiều quyết sách sai", Bộ trưởng nhấn mạnh.


Còn theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tính lại GDP của các địa phương là “cũng nhạy cảm”, nhưng “nên nhìn sự thật” bởi không thể kéo dài mãi cách tính “không giống ai” khi đã hội nhập và đổi mới.

Liên quan đến thông điệp mới của câu chuyện cũ này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

- Thưa ông, cách tính GDP của Việt Nam nhiều năm qua rõ ràng đã có “vấn đề”, vậy vấn đề này theo ông nằm ở đâu?

Đúng là cách tính GDP chung của chúng ta hiện nay có rất nhiều vấn đề. Nối bật nhất là vấn đề về cách tính GDP theo địa phương.

Có thể thấy rõ nhất một thực trạng tồn tại từ rất lâu rồi đó là tại sao công bố GDP của các tỉnh luôn tăng đến 10 – 14% mỗi năm, trong khi đó, GDP bình quân cả nước thì chỉ bằng có một nửa.

Đây rõ ràng là việc không thật.

Thứ hai, hiện nay, hàng tháng Tổng Cục thống kê công bố ước tính GDP vào khoảng ngày 22 - 23 bằng cách lấy con số nửa tháng đó ước tính ra. Cuối năm cũng ước tính như thế để báo cáo Quốc hội, song đến kỳ họp Quốc hội năm sau lại tính lại và con số tính lại này thường cao hơn số đã công bố ước tính trước đó.

Vì vậy, Tổng cục Thống kê cũng cần phải xem xét lại phương thức tiếp cận, cách thức tính cái chỉ số GDP này.

Thứ ba, GDP là con số có nhiều phương pháp tính, trong đó có phần đóng góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này chiếm 19% tổng đầu tư, 63% tổng hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lãi thì họ rút vốn về, nên có một chỉ số nữa là GNI (chỉ số thu nhập ròng của 1 nước hay còn gọi là Thu nhập quốc dân).

GNI (Thu nhập quốc dân) là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian, thường là một năm.

Nó bao gồm tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong quốc gia (chính là Tổng sản phẩm nội địa - GDP), cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài (chủ yếu là lãi vay và cổ tức), trừ đi những khoản tương tự phải trả ra bên ngoài.

Thu nhập quốc dân bao gồm: chi tiêu dùng cá nhân, tổng đầu tư của dân cư, chi tiêu dùng của chính phủ, thu nhập thuần từ tài sản ở nước ngoài (sau khi trừ các thuế), và tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu và trừ đi hai khoản: tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu và thuế gián thu.

Thu nhập quốc dân tương tự như Tổng sản lượng quốc gia – GNP, chỉ khác biệt ở chỗ GNP không trừ đi thuế gián thu.

Nếu tính theo chỉ số này thì con số tăng trưởng năm 2012 sẽ phải trừ 7,6 tỷ USD, bình quân đầu người cũng trừ đi 200 USD. Tức là con số chênh lệch khá lớn.

Một thực tế trong nhiều năm qua là chỉ số GDP Việt Nam công bố bao giờ cũng lệch khá nhiều so với con số GDP mà Quỹ tiền tệ Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á công bố.

Vì vậy, tôi cho rằng, tới đây, cần tiến tới phải công bố cả hai chỉ số GDP và GNI, chứ không phải chỉ GDP không.


- Theo ông, việc chỉ số GDP “không giống ai” trong thời gian qua đã gây ra những thiệt hại gì?

Với những gì đang diễn ra trong thời gian qua, theo tôi, chỉ số GDP đang được các tỉnh thành ở Việt Nam sử dụng như là con số biện hộ cho chủ nghĩa thành tích.

Các địa phương thích chạy theo thành tích và cũng có phần tham nhũng nên người ta bày ra rất nhiều cái đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư công, từ đường xá, bảo tàng, khu văn hóa,…

Vừa qua, có một chuyện rất nực cười một địa phương phía Nam đầu tư phát triển đờn ca tài tử mà địa phương chi tới 2.000 tỷ đồng và sau đó địa phương không biết lý giải thế nào về số tiền này.

Cũng vì muốn GDP tăng nên các địa phương cho cấp phép khai thác rừng, khai thác mỏ tăng, tràn lan, không có quy hoạch.

Khai thác tài nguyên không công khai minh bạch nên nhiều người được lại quả, rất tai hại.

Con số GDP tự dưng biến thành con số che giấu cho lợi ích nhóm lũng đoạn. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần chuyển đổi và đi đến chấm dứt kiểu tính toán GDP như các tỉnh thành đang làm hiện nay.


- Ông đánh giá thế nào về quyết định của Thủ tướng khi “nhìn vào sự thật” của GDP thời gian vừa qua?

Quyết định yêu cầu chấm dứt kiểu tính GDP của Thủ tướng tôi cho rằng là một bước đi dũng cảm, đúng đắn và vô cùng cần thiết.

Có thể một số quan chức địa phương sẽ không vui vì họ lấy GDP cao để chứng minh cho thành tích của họ, trong khi thành tích đó là ảo, không thực.

- Vấn đề của GDP đã được đề cập từ nhiều năm nay, theo ông tại sao đến giờ vấn đề này mới chính thức được yêu cầu “chấm dứt”?

Cái này theo tôi nên hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng, phải có sự thay đổi mạnh mẽ về đầu tư công thì mới có được động lực để chấm dứt việc đầu tư dàn trải.

Xin cảm ơn ông!
Báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành cuối tháng 6/2014 vừa qua cũng đã thêm một lần chỉ ra khá nhiều bất cập trong cách tính GDP của cả nước.

Một trong các bất cập đó là hiện nay việc tính GDP về giá so sánh năm gốc ở Việt Nam không theo chuẩn mực quốc tế, dẫn tới GDP theo giá so sánh có thể bị bóp méo để ép tốc độ tăng trưởng, từ đó dẫn đến chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) rất khó lý giải trong một số trường hợp.

Các tác giả báo cáo cho rằng công tác thống kê của Việt Nam, trong đó có cách tính GDP là một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng và sự hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra giám sát.

Còn theo phân tích của chuyên gia thống kê Bùi Trinh, GDP ở Việt Nam hiện nay không chỉ được tính toán mà còn được nhìn nhận về ý niệm từ phía cung, tức là cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu (trong giá trị gia tăng theo cách tính toán của cơ quan Thống kê Việt Nam bao gồm cả thuế sản phẩm) theo nguyên tắc thường trú.

Chẳng hạn một doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trên một năm thì toàn bộ phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp đó được tính vào GDP của Việt Nam. Hay một doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên ở Việt Nam cũng được tính toán theo nguyên tắc trên.

Như vậy, tăng trưởng về quy mô cũng như về số lượng của chỉ tiêu GDP thực ra không phản ánh được đầy đủ bức tranh của nền kinh tế, chẳng hạn như doanh nghiệp FDI chuyên về khai thác tài nguyên họ sẽ chuyển phần lợi nhuận về nước họ nhưng vẫn được thể hiện trong GDP của Việt Nam.

Nguồn: VTC News

{fcomment}