Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố thỏa thuận mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, giúp châu lục này bớt phụ thuộc vào các sản phẩm của Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu vào ngày 23-3 để bắt đầu chuyến công du 4 ngày, với mục tiêu gia tăng sức ép lên Nga, viện trợ Ukraine và củng cố an ninh năng lượng cho "lục địa già".
Tổng thống Joe Biden tham dự chuỗi thượng đỉnh cùng diễn ra vào ngày 24-3 tại thủ đô Brussels - Bỉ, gồm: Thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), Thượng đỉnh EU (Liên minh châu Âu) và Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới).
Tại Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo "đề ra kế hoạch dài hạn" xoay quanh những lực lượng và khả năng cần thiết để bảo vệ các nước thành viên Đông Âu. Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy có bài phát biểu trực tuyến tại sự kiện này. Trong đó, ông kêu gọi NATO viện trợ "hiệu quả và không hạn chế" cho Ukraine, nhất là những vũ khí mà quốc gia này cần để chống trả cuộc tấn công trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels ngày 24-3 Ảnh: REUTERS
Tại Thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo công bố lệnh trừng phạt bổ sung, bên cạnh sáng kiến mới nhằm siết chặt thực thi các biện pháp trừng phạt đã được áp trước đó để bảo đảm Moscow "không thể làm suy yếu hoặc lách lệnh trừng phạt".
Trong khi đó, chương trình nghị sự của Thượng đỉnh EU bao gồm khủng hoảng nhân đạo và nỗi lo của Mỹ xoay quanh kịch bản Trung Quốc hỗ trợ Nga. Trước cuộc họp, theo Reuters, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã vạch ra "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc, cảnh báo quốc gia này chớ nên "tận dụng cơ hội kinh doanh từ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, cũng như giúp Moscow tránh né các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc xử lý các giao dịch tài chính bị cấm".
Ông Sullivan đồng thời cho biết trước khi rời Brussels để đến Ba Lan vào ngày 25-3, Tổng thống Joe Biden có thể công bố thỏa thuận mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, giúp châu lục này bớt phụ thuộc vào các sản phẩm của Nga. Tại thủ đô Warsaw, ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp gỡ giới chức Ba Lan để thảo luận những vấn đề liên quan đến khủng hoảng nhân đạo từ xung đột Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, Thụy Điển và Phần Lan điều động lượng lớn binh sĩ tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response" do Na Uy tổ chức 2 năm/lần. "Năm nay, Cold Response có vai trò quan trọng hơn vì tình hình Ukraine" - trung tá Stefan Hedmark của quân đội Thụy Điển khẳng định. Các quốc gia Bắc Âu, dù có là thành viên NATO hay không, vốn đã quen với việc hợp tác chặt chẽ. Họ có nhiều giá trị, lợi ích, văn hóa giống nhau và cùng có Nga là nước láng giềng ở phía Đông.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ukraine-phu-bong-chuoi-thuong-dinh-chau-au-20220324200841497.htm
-
Nhà tuyển dụng bóc mẽ điểm yếu của sinh viên
-
Thị trường chứng khoán tuần tới: Khả năng VN-Index vào sóng điều chỉnh
-
Đánh giá bàn phím rời cho Samsung Galaxy Note 5
-
Gần 700 xe Toyota Camry bị triệu hồi vì lỗi túi khí
-
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục nóng?
-
Điểm các ôtô số tự động dưới 600 triệu đồng tại Việt Nam
-
Lương CEO của Apple năm 2020 tăng gần 30%
-
Kiều hối về TP. HCM đạt gần 2,8 tỷ USD
-
Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen
-
Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam