Vụ con rể lừa tiền chứng khoán mẹ vợ: kháng nghị bản án vô tội

Cho rằng bản án vô tội là không có căn cứ và bỏ lọt tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Kháng nghị.

Vụ con rể lừa tiền chứng khoán mẹ vợ: kháng nghị bản án vô tội

Ông Trần Minh Anh, người vừa được Tòa án tuyên vô tội ngày 17/9 vừa qua, chưa thể kê cao gối ngủ bởi mới đây Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã có kháng nghị đối với bản án này.

Con rể lừa tiền chứng khoán mẹ vợ?

Trước đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Trần Minh Anh (SN 1961, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án kéo dài từ năm 2009, đưa ra xét xử từ năm 2011 nhưng phải đến ngày 17/9/2014 vừa qua mới có bản án sơ thẩm. Trong thời gian đó, Trần Minh Anh bị tạm giam 4 năm.

Theo cáo trạng, ngày 22/1/2007, bà Trần Thị Minh (trú tại số 28, ngõ 90, Yên Lạc, Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cùng với Trần Minh Anh (con rể bà Minh) đến công ty chứng khoán làm thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

Tại đây, Trần Minh Anh đã đứng ra làm các thủ tục mở tài khoản như điền vào các mẫu giấy tờ và ký tên bà Minh vào các giấy tờ này. Ngày hôm sau, bà Minh cùng với Trần Minh Anh đến Vietcombank ký nhận số tiền 176.000 EUR và chuyển hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán.

Sau này, bà Minh chuyển vào sống ở TP Hồ Chí Minh với con trai.

Trong khi đó, từ 16/7/2007 đến 30/1/2008, Trần Minh Anh làm thủ tục 19 lần rút gần hết số tiền trong tài khoản (khoảng 3,4 tỷ đồng) mà không có sự đồng ý hay giấy ủy quyền của bà Minh.

Một năm sau kể từ ngày mở tài khoản, bà Minh đến công ty chứng khoán rút tiền thì được thông báo toàn bộ số tiền đã bị Trần Minh Anh rút hết và trong tài khoản chỉ còn hơn 9 triệu đồng cùng một số cổ phiếu.

Cho rằng con rể lừa tiền của mình, bà Minh làm đơn tố cáo ông Trần Minh Anh có hành vi gian dối, lợi dụng sơ hở của một số cán bộ công ty chứng khoán và sự thiếu hiểu biết của bà để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. Bà Minh cũng yêu cầu công ty chứng khoán phải bồi thường cho bà số tiền này.

Hơn 3 tỷ đồng là tài sản chung của vợ chồng

Bản án sơ thẩm nhận định việc chị Ngân và bà Minh cho rằng khoản tiền 176.000 Euro là tài sản riêng của chị để gửi về trả nợ cho bà Minh, không liên quan đến ông Trần Minh Anh là không đúng với bản chất sự việc. Bởi chị Ngân và ông Minh Anh có đăng ký kết hôn từ năm 1988, Giấy chứng nhận kết hôn do UBND phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội).

Do vậy, số tiền 176.000 Euro là tài sản chung hợp pháp của ông Minh Anh và chị Ngân. Đến nay, chưa có bản án nào xử ly hôn.

Việc Trần Minh Anh mượn giấy tờ tùy thân của bà Minh sau đó mạo danh bà Minh ký vào mục chủ tài khoản là hành vi gian dối nhưng chỉ nhằm tránh rủi ro trong đầu tư chứng khoán.

Về 19 lần Trần Minh Anh rút tiền mà không có giấy ủy quyền, hoặc khi công ty chứng khoán yêu cầu phải có giấy ủy quyền thì Minh Anh đã tự ký giấy ủy quyền và trình bày bà Minh bị ốm đề nghị được thông cảm. Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng công ty chứng khoán không bị Trần Minh Anh lừa dối. Công ty chứng khoán biết nhưng cố tình làm sai

Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Trần Minh Anh không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không có căn cứ vô tội, bỏ lọt tội phạm

Cho rằng quyết định của Tòa án là không đúng bản chất vụ án cũng như hành vi phạm tội của Trần Minh Anh, Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị.

Theo đó, bản kháng nghị cho rằng căn cứ lời khai của chị Ngân, bà Minh, cháu Hoàng (con trai chị Ngân và ông Minh Anh), hồ sơ tài liệu về việc bán nhà ở số 21 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình (Hà Nội), giấy vay tiền của chị Ngân với bà Minh… cho thấy có việc vay nợ. Ngôi nhà ở bên Đức của chị Ngân, được bán lấy tiền trả nợ, là tài sản riêng của chị Ngân.

Số tiền bán nhà bên Đức được chuyển khoản cho bà Minh để trả nợ và sau đó bà Minh mở tài khoản chứng khoán và chuyển số tiền này vào. Như vậy, có căn cứ để xác định số tiền 3 tỷ đồng là tài sản của bà Minh.

Hành vi lập giấy ủy quyền giả và giả chữ ký bà Minh trên các chứng từ rút tiền mà không được sự đồng ý của bà Minh và công ty chứng khoán là hành vi gian dối để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.

Về quan hệ hôn nhân, lời khai của chị Ngân tại phiên tòa khẳng định hai người chỉ chung sống với nhau, không có hôn thú. Đến năm 2007, hai người mới làm thủ tục đăng ký kết hôn do UBND TP Hà Nội cấp. Chị Ngân không thừa nhận giấy kết hôn năm 1988 và khai chỉ đến phiên tòa mới biết. Đồng thời, đề nghị điều tra làm rõ.

Bản thân chị Ngân đã kết hôn với một người nước ngoài và làm thủ tục ly hôn năm 2000 khi đang sinh sống ở Đức.

Đến nay, chị Ngân và ông Minh Anh đã ly hôn và bản án ly hôn giữa nguyên đơn Trần Minh Anh và bị đơn Trần Thị Kim Ngân cho thấy chính ông Minh Anh thừa nhận hai người chung sống như vợ chồng đến năm 2007 mới kết hôn.

“Đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa cần phải hủy bản án sơ thẩm để tiến hành, điều tra xác định mối quan hệ và thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân giữa Trần Minh Anh và chị Ngân” – bản kháng nghị viết.

Đặc biệt, tại phiên tòa, chị Ngân là người Việt Nam định cư tại CHLB Đức có mặt tại tòa nhưng HĐXX không xác định tư cách tham gia tố tụng, không tống đạt giấy triệu tập trước khi đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, thẩm vấn chị Ngân và cho đối chất với Trần Minh Anh là vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng.

Viện KSND TP Hà Nội cho rằng việc Tòa án tuyên bố ông Trần Minh Anh vô tội là không có căn cứ, bỏ lọt tội phạm.

Cơ quan công tố đề nghị TAND Tối cao xét xử phúc thẩm để hủy bản án, yêu cầu điều tra lại theo quy định chung.

Ông Trần Minh Anh (áo đỏ) tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội

Hoàng Duy

{fcomment}