Xăng dầu TG thấp kỷ lục: Sao đợi 15 ngày mới giảm giá trong nước?!

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần rút ngắn thời gian giảm giá xăng dầu trong nước để nền kinh tế và người dân không bị thiệt.

Luôn lãi vẫn chờ giảm giá

Giá dầu thô thế giới hôm qua (27.8) tăng nhẹ trở lại nhưng vẫn chưa nhích qua nổi mốc 40 USD/thùng. Tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 10.2015 tăng 87 xu Mỹ song vẫn ở mốc 39,47 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 1,01 USD ở mức 44,15 USD/thùng.

Xăng dầu TG thấp kỷ lục: Sao đợi 15 ngày mới giảm giá trong nước?! - 1

Giá xăng vẫn ở trong xu thế thấp, bởi nguồn cung xăng của Mỹ thời điểm này lại tăng thêm 1,7 triệu thùng. Giá xăng A92 nhập từ Singapore vẫn trong khoảng trên dưới 60-61 USD/thùng, tương đương hơn 8.000 đồng/lít (nếu tính theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank là 22.440 đồng/USD).

Giá xăng dầu thế giới hiện đã rẻ hơn cả thời điểm cuối năm 2008 (tháng 12.2008 giá dầu cũng rơi từ mốc hơn 140 USD/thùng về mốc 40 USD/thùng chỉ trong vài tháng), khi đó giá xăng bán trong nước chiếu theo chỉ vào khoảng 11.000-12.000 đồng/lít.

Cứ nhìn vào mức lãi khủng vừa công bố của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng thấy rõ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở thời điểm này đã lợi như thế nào. Tại thời điểm ngày 18.8 (thời điểm tính giá cơ sở để giảm giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày), giá nhập khẩu xăng A92 về Việt Nam khoảng 9.000 đồng/lít, tuy nhiên giá bán lẻ của mặt hàng này trong nước vẫn lên tới 18.536 đồng/lít.

Chuyên gi kinh tế Ngô Trí Long nói: “Vấn đề là doanh nghiệp lãi như vậy tại sao không tự nguyện giảm giá xăng dầu cho người dân mà vẫn phải chờ 15 ngày mới giảm?!”. Các doanh nghiệp có thể cho rằng, lúc giá thế giới lên thì họ phải chờ 15 ngày mới được tăng thì khi giá thế giới giảm họ khó có thể tự nguyện giảm giá bán trong nước sớm hơn. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh mặt hàng xăng dầu hiện nay cho thấy lý giải của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ là “ngụy biện”.

Ông Long khẳng định: Giá xăng dầu thế giới hiện nay tăng hay giảm thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước cũng đã được cộng hai khoản chi phí và lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng, gồm 1.050 đồng/lít và 300 đồng/lít. “Như vậy, ở thời điểm nào thì doanh nghiệp cũng không lo lỗ mà vẫn lãi. Vậy tại sao phải chờ 15 ngày doanh nghiệp mới giảm giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng?” - ông Long đặt câu hỏi.

Còn độc quyền giá, dân còn thiệt!

Với diễn biến của giá xăng dầu trong nước và thế giới hiện nay, người dân có quyền đặt câu hỏi: Sao khi giá dầu thế giới đạt đỉnh 147,27 USD/thùng (ngày 11.7.2008), giá xăng bán trong nước là 19.000 đồng/lít, hiện giá dầu thế giới 39 USD/thùng, giá xăng vẫn bán gần 19.000 đồng/lít!?

Thậm chí khi giá dầu thô thế giới lùi về 40 USD/thùng (tháng 12.2008), người dân đi mua xăng A92 chỉ 11.000 đồng/lít, còn bây giờ dầu thô dưới 40 USD/thùng thì xăng A92 lại cao ngất ngưởng, trên 18.000 đồng/lít?!

Rõ ràng, thuế phí với xăng dầu tăng lên và khác biệt trong từng thời điểm gây nên sự chênh lệch giá lớn, song các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, việc giá xăng dầu hiện nay vẫn còn ở trong thế độc quyền, chưa hoàn toàn theo giá thị trường cùng với sự biến động của nó là nguyên nhân chính làm người dân, nền kinh tế chưa được hưởng giá xăng dầu thấp theo giá thế giới.

Để người tiêu dùng có thể hưởng giá xăng dầu đúng theo thị trường, GS.TS Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa Tài chính, Đại học TP.HCM cho rằng,Nhà nước phải tiến hành tự do hóa thị trường mạnh hơn nữa với ngành xăng dầu.

“Các cú sốc giảm giá xăng dầu liên tiếp xảy ra từ đầu năm đến nay và vẫn còn có khả năng tiếp diễn cho đến năm 2016 đáng lý sẽ là cơ hội tạo đà cho tăng trưởng và người dân được giảm mạnh giá xăng dầu, nhưng nhiều dự báo lại cho thấy tăng trưởng của Việt Nam có nguy cơ giảm đi, còn giá xăng dầu trong nước thì vẫn neo cao” - ông Thơ phân tích.

Theo vị chuyên gia này, cú sốc giảm giá xăng dầu hiện nay dường như chỉ thấy mặt tiêu cực là việc ngân sách Nhà nước hụt thu nặng từ xuất khẩu dầu thô, còn việc nền kinh tế và người dân tận dụng và được hưởng lợi thế nào lại chưa thấy rõ. “Tôi không biết, nếu giá dầu về ngưỡng 15-20 USD/thùng như hồi năm 1999 thì người dân và nền kinh tế sẽ được hưởng giá xăng dầu và một chi phí đầu vào như thế nào?!” - ông Thơ cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nêu rằng, các doanh nghiệp xăng dầu không nên chần chừ và chờ yêu cầu giảm giá từ cơ quan Nhà nước mà hãy chủ động giảm giá xăng dầu cho người tiêu dùng. Bởi mức giảm của giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay vẫn chưa tương xứng với mức biến động của xăng dầu thế giới trong cùng thời gian. Cụ thể, tính từ đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm vào ngày 6.1 (thời điểm giá dầu ở mức 47 USD/thùng) đến nay, giá bán lẻ xăng A92 tính ra vẫn tăng khoảng 19%.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi khủng là nhờ “ăn vào giá độc quyền của ngành xăng dầu”. “Dường như Luật giá và các quy định về kinh doanh xăng dầu không bảo vệ công bằng cho lợi ích của người tiêu dùng mà bảo vệ một cách quá đáng cho lợi ích của doanh nghiệp độc quyền. Với giá xăng dầu giảm thế này, lẽ ra phải có chế tài nào đó để buộc doanh nghiệp phải “tự nguyện” giảm giá bán xăng dầu sớm cho người tiêu dùng, thay vì phải đợi 15 ngày mới giảm giá” - ông Doanh nêu quan điểm.

Vị chuyên gia này khẳng định: “Giá mặt hàng xăng dầu được kiểm soát theo Luật giá, và điều đáng ngạc nhiên là sự kiểm soát ở đây như thế nào mà để xảy ra tình trạng một công ty chiếm vị trí thống lĩnh như Petrolimex lãi lớn như vậy?. Chắc chắn, doanh nghiệp xăng dầu lãi cao như thế chỉ có một lý do chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế mà thôi!”.

Giá dầu thô thế giớixuống khoảng 40 USD/ thùng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm theo. Vì 70% tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước phải nhập khẩu về nên chúng ta được hưởng lợi nhờ giá dầu giảm. Để giảm giá bán lẻ xăng dầu phù hợp, cần tính toán lại mức trích hai loại phí lợi nhuận định mức và chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp đã có lãi và buộc họ phải có lãi trong khoản chi phí định mức 1.050 đồng/lít xăng, do đó khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng như hiện hành nên dùng vào việc giảm giá cho người dân.

Nguồn 24h