30.000 tỷ và 5 ngân hàng giải ngân: Ì ạch!

 Sau nhiều phàn nàn, thủ tục tiếp cận gói tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng đã dần thông thoáng hơn. 

30.000 tỷ và 5 ngân hàng giải ngân: Ì ạch!

Nhưng theo nhiều thành viên thị trường, để đỡ nghẽn dòng tín dụng, nên mở rộng ngân hàng giải ngân, thay vì chỉ có 5 NHTM có vốn nhà nước như hiện nay.

Chưa cạnh tranh

Vẫn biết gói tín dụng ưu đãi nói trên chỉ tác động trực tiếp đến phân khúc bình dân của thị trường bất động sản, nhưng thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở của khách hàng cá nhân, nhất là ở những thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội luôn gia tăng. Vì thế, nhu cầu tín dụng, nhất là với tín dụng lãi suất thấp mua nhà để ở là rất lớn. Thông qua gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 5%/năm được xem là động lực thúc đẩy phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp ấm dần lên, qua đó khiến thị trường nói chung sôi động hơn. Thế nhưng, việc giải ngân nguồn vốn giá rẻ này khá chậm vì nhiều lực cản thủ tục.

Chị Nguyễn Thu Minh (đang công tác tại một công ty nhà nước ở quận 5, TP. HCM) cho biết, vì vợ chồng chưa có nhà nên chị rất vui mừng khi có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lãi suất thấp dành cho người thu nhập thấp mua nhà. Thế nhưng, sau khi đến một chi nhánh của Agribank để tìm hiểu thì không dễ tiếp cận khoản vay. Yêu cầu trước hết được Agribank đưa ra là chứng minh khoản thu nhập của vợ chồng chị hàng tháng. Tuy nhiên, chồng chị Minh là nhân viên bảo vệ và chị là nhân viên hành chính, thu nhập của cả hai chưa tới 10 triệu đồng/tháng, không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Lãnh đạo Agribank cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng mà Chính phủ, NHNN hỗ trợ để các NHTM có nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp, nhưng không phải là tài trợ, cấp phát vốn. Vì vậy, việc cho vay đối với các đối tượng này trước tiên phải đảm bảo điều kiện vay. Trong khi đó, do đây là gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở với người lao động, người thu nhập thấp nên không nhiều khách hàng đáp ứng được khả năng trả nợ. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.

Ông Võ Thanh Phong, Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn cho biết, đến nay số tiền giải ngân cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng tại Ngân hàng đạt con số 307 tỷ đồng, nhưng là cho một khách hàng DN. Với đối tượng khách hàng cá nhân, mặc dù có gần 500 hồ sơ đề nghị được vay vốn, nhưng tính đến cuối tháng 8/2014, BIDV Bắc Sài Gòn chỉ giải ngân cho gần chục khách hàng, với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Sở dĩ có tình trạng này, theo lãnh đạo của BIDV Bắc Sài Gòn, là do người có nhu cầu mua nhà muốn được vay vốn phải chứng minh tình trạng nhà ở, thu nhập, khả năng trả nợ… có xác thực của cơ quan, chính quyền địa phương làm căn cứ.

Trong khi đó, một cán bộ cấp cao của Vietcombank cho rằng, chủ trương của Ngân hàng là đẩy mạnh tín dụng mua nhà cho khách hàng cá nhân, thay vì DN. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ngân hàng đẩy vốn cho vay ồ ạt, mà có sự thẩm định khắt khe. Ngoài tài sản đảm bảo chính là căn nhà mà khách hàng sẽ sở hữu thì yêu cầu quan trọng nhất vẫn là khả năng trả nợ.

”Lãi suất cho vay không chỉ với gói 30.000 tỷ đồng mà ngay cả sản phẩm tín dụng mua nhà đang được Vietcombank triển khai cũng khá thấp, chỉ từ 7,99%/năm trong năm đầu. Tuy nhiên, khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện tín dụng, chúng tôi mới cấp vốn”, vị cán bộ trên nói.

Cần thêm NHTM giải ngân?

Lãnh đạo 5 NHTM (MHB, Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV) cho rằng, đối với DN, khi chương trình tín dụng ưu đãi vay mua nhà chính thức đi vào cuộc sống, các chủ đầu tư dự án mới mạnh dạn triển khai công trình nhà ở phù hợp với các điều kiện của gói vốn này. Tuy nhiên, các DN ban đầu phải có vốn tự có tham gia vào dự án, sau đó ngân hàng mới giải ngân vốn vay. Trong khi đó, qua một giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng, các DN kinh doanh bất động sản đều gặp khó khăn, nhiều đơn vị phát sinh nợ vay quá hạn hoặc nợ xấu tại các TCTD. Vì vậy, theo hệ thống quản trị rủi ro trong thẩm định tín dụng, các NHTM rất khó tiếp tục giải ngân cho vay đối với các đối tượng trên, do rủi ro tín dụng cao.

Đối với các dự án bất động sản, thời gian để hoàn thiện các thủ tục pháp lý thường kéo dài. Ngoài ra, khi chủ đầu tư có các điều chỉnh, thay đổi về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế... đối với dự án nhà ở thường mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục. Đồng thời, rất nhiều dự án xây dựng chậm tiến độ do chủ đầu tư thiếu vốn hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích. Vì vậy, nguồn cung căn hộ sắp hoàn thiện, đáp ứng được tiêu chuẩn của gói tín dụng ưu đãi là không nhiều.

Nguồn cung sản phẩm đối với nhà ở thương mại phù hợp (diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) và nhà ở xã hội khan hiếm, vị trí dự án không thuận lợi nên chưa thu hút khách hàng. Đồng thời, các dự án nhà ở xã hội hầu hết đều chưa hình thành và có rất ít thông tin về năng lực vốn, năng lực thi công, nên NHTM khó đánh giá được rủi ro khi nhận thế chấp bằng tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai.

Phó giám đốc NHNN TP. HCM, ông Nguyễn Văn Dũng thừa nhận, mặc dù các NHTM đã tích cực triển khai gói 30.000 tỷ đồng, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, do nguồn cung nhà ở xã hội thiếu, nhiều vướng mắc về thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở, sự thiếu quyết liệt của các địa phương trong việc giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội…

Đến nay, trên địa bàn TP. HCM chỉ mới giải ngân được hơn 300 tỷ đồng cho 2 DN và dư nợ đối với cá nhân của gói vốn này cũng chỉ ở mức tương đương, cho dù có hơn 1.000 cá nhân ký hợp đồng vay vốn.

Vì thế, theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, cần mở rộng đối tượng ngân hàng được giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng, thay vì chỉ tái cấp vốn cho 5 NHTM có vốn nhà nước như hiện nay. Khi tính cạnh tranh cho vay thấp, các khách hàng sẽ mất nhiều cơ hội được vay vốn. Đặc biệt là khi 5 NHTM nói trên có tiềm lực về vốn và thị phần tín dụng lớn nên chưa chắc đã mặn mà trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các cá nhân.

Một chuyên gia ngân hàng nguyên là lãnh đạo cấp cao của Eximbank cũng cho rằng, để gói vốn ưu đãi này sớm lan tỏa trên thị trường, nhất là khi giá bất động sản đang giảm dần về mức hợp lý, cần cho các NHTM có năng lực được tham gia giải ngân gói vốn ưu đãi lãi suất mua nhà 5%/năm. Bản thân Eximbank cũng đã dành không ít vốn cho vay mua nhà, trong đó có gói 5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 8 - 9%/năm cố định trong năm đầu tiên. Thế nhưng, theo lãnh đạo Eximbank, để cạnh tranh được với gói 30.000 tỷ đồng là rất khó.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho rằng, nếu cho phép nhiều NHTM khác được tham gia giải ngân thì gói vốn ưu đãi nói trên sẽ nhanh chóng phát huy được tác động đến thị trường, qua đó góp phần giải quyết nợ xấu cho chính các ngân hàng. Bởi trên thực tế, lượng nợ xấu được đảm bảo bằng các dự án bất động sản tại các ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}