Ban hành Nghị quyết hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển là cần thiết

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, Quốc hội đã tiến hành phiên thảo luận trực tuyến đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh Phiên họp chiều 7/1. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bên lề Kỳ họp, Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Lắk đã có những ý kiến nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Theo Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, trong hai năm vừa qua, dịch COVID-19 đã tác động mạnh và gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế - xã hội của nước ta. Thực tế trên đặt ra yêu cầu bức thiết là phải triển khai hiệu quả mục tiêu kép vừa thích ứng linh hoạt, phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống an sinh cho nhân dân. Do đó, việc triển khai Nghị quyết là yêu cầu bức thiết, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu về kinh tế - xã hội, không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn đảm bảo cho cả nhiệm kỳ.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho rằng: Dự thảo Nghị quyết cũng đề ra 5 giải pháp để thực hiện, cả 5 giải pháp này đều rất quan trọng và cần triển khai đồng bộ. Vấn đề quan trọng là cần lựa chọn cách thức thực hiện các giải pháp cụ thể để đảm bảo việc tổ chức triển khai Nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm. Các giải pháp, gói hỗ trợ phải đến tay đối tượng cần được hỗ trợ và tác động tích cực đến các lĩnh vực có khả năng phục hồi tốt. Khi các giải pháp được triển khai hiệu quả sẽ tạo đà phục hồi, tăng trưởng tốt cho giai đoạn sắp tới, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trách tụt hậu và bắt nhịp kịp phát triển so với thế giới. Do đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong dự thảo Nghị quyết rất quan trọng và cần thiết.

“Đặc biệt, trong quá trình triển khai Nghị quyết phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chính sách, giải pháp được thực hiện có hiệu quả; tránh tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là đặt quyền lợi, lợi ích của người dân và sự phát triển của đất nước lên trên hết”, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Y Vinh Tơr, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong những năm qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội, gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân. Trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và năm 2021, đánh giá kết quả các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, an sinh xã hội đã ban hành, bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, Chính phủ đã trình Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó đưa ra các chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ cùng các chính sách khác nhằm phục hồi nền kinh tế phát triển bền vững, tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế, đầu tư công, hỗ trợ lao động, việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình với các lý do như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra. Đây chính là những chính sách, giải pháp hữu hiệu, mạnh mẽ để nhanh chóng vực dậy, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra, bắt kịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Đại biểu Y Vinh Tơr cho rằng, theo Tờ trình của Chính phủ thì tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ các quỹ khác 10 nghìn tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ khác như hỗ trợ qua chính sách tiền tệ, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông… Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy có nhiều gói đã có quy mô cụ thể nhưng cũng có những gói chính sách chưa rõ quy mô về kinh phí, do đó, đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm vấn đề này.

Về đầu tư công từ nguồn vốn từ chính sách tài khóa, thực tiễn thời gian qua cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cũng có những vướng mắc do các quy trình, thủ tục, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… chậm được tháo gỡ. Do đó, yêu cầu đặt ra là tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân, trong đó cần tập trung cho việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đối với những dự án còn chậm, cần xác định rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức trong việc không hoàn thành kế hoạch đầu tư công. Các lĩnh vực cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (giao thông, năng lượng, viễn thông), đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xuất khẩu; hạ tầng số; lĩnh vực chi cho y tế; chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội...

Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/ban-hanh-nghi-quyet-ho-tro-chuong-trinh-phuc-hoi-va-phat-triena-la-can-thiet-20220107152232800.htm