Bất động sản Bình Dương, “thức giấc” bởi hạ tầng

 Bình Dương đang được ví như thỏi nam châm đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi sự đột phá về hạ tầng và lợi thế tiềm năng cửa ngõ TP. HCM. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “tiềm năng và cơ hội bất động sản Bình Dương 2014” vừa được tổ chức cuối tuần qua.

Bất động sản Bình Dương, “thức giấc” bởi hạ tầng

Sức hút của bất động sản

Trong vài năm trở lại đây, dù không nằm ngoài “vùng phủ sóng” khó khăn chung của thị trường bất động sản, nhưng Bình Dương vẫn luôn là địa phương có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản thương mại.

Cùng với những trung tâm thương mại hiện hữu do các nhà đầu tư địa phương đầu tư như Trung tâm thương mại Becamex Tower, Bình Dương Center, Minh Sáng, Hồng Thảo, Đông Phú, An Bình…, tính đến nay, phần lớn các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ cũng đều đã có mặt tại Bình Dương, như Metro, Saigon Co.op, Vinatext Mart, Citi Mart, FiveMart, BDMart, hay các siêu thị điện máy lớn của TP. HCM như Thiên Hòa, Điện máy Chợ Lớn… đều đã nhanh chân có mặt tại địa phương này. Đặc biệt, ngày 1/11 tới đây, Khu thương mại AEON Mall của nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chính thức được khai trương, góp phần làm cho Bình Dương thêm sôi động.

Sự đột phá phát triển bất động sản thương mại tạo nên sự cộng hưởng cho cả thị trường bất động sản Bình Dương. Theo ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhìn vào xu hướng nguồn vốn FDI liên tục đổ vào Bình Dương trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua từ các nhà đầu tư châu Á như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, có thể hình dung được sức hấp dẫn của địa phương này.

“Bình Dương là thị trường đang nổi, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chính các khu công nghiệp hoạt động tại đây là động lực phát triển cho địa phương . Đây cũng là nguyên nhân chính thu hút nhiều chủ đầu tư nước ngoài mua quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản”, ông Marc Townsend nhận định.

Hiện nay, có hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đã đổ vốn vào Bình Dương như Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) thông qua Becamex IDC đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây dựng Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Thành phố mới Bình Dương; dự án của Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Phú Thăng Long (Đài Loan) có tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, diện tích đất sử dụng hơn 300 héc-ta… Công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu (Malaysia) cũng đã đổ hàng trăm triệu USD để xây dựng dự án Becamex Setia. Mới đây nhất, Công ty N.H.O, được rót vốn từ các quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Singapore cũng đã đầu tư Dự án First Home Premium Bình Dương, hoặc như Tập đoàn VSIP của Singapore “bắt tay” với Công ty Becamex IJC đầu tư Dự án IJC @ VSIP tại Thành phố mới Bình Dương với tổng vốn khoảng 1.024 tỷ đồng.

Hạ tầng đi trước đón đầu

Theo phân tích của giới chuyên môn, một trong những yếu tố tạo nên sức hút đối với bất động sản Bình Dương là sự phát triển khá mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng, đặc biệt là sự bứt phá của Thành phố mới Bình Dương. Sau hơn nửa năm đưa Trung tâm Hành chính tập trung của Bình Dương vào hoạt động, đã tạo nên một sức sống mới cho cả khu vực. Tính đến thời điểm này, các công trình trọng điểm phục vụ cộng đồng đều đã đi vào hoạt động như công viên hồ sinh thái rộng 120 héc-ta, Đài nhạc nước Cổng Trời, Trung tâm hội nghị Lucky Square, chợ, siêu thị, trung tâm thể thao đa năng, trường học quốc tế từ cấp mầm non đến đại học…

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, đây có lẽ mới chỉ là giai đoạn đầu của một giai đoạn phát triển của bất động sản Bình Dương.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu xây dựng trở thành một đô thị văn minh hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, phát triển hệ thống giao thông phải đi trước một bước, là mũi đột phá quan trọng nhất từ đây đến năm 2020. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, với các cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu…

Bên cạnh đó, theo quy hoạch, Bình Dương sẽ có sự đột phá trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị với 6 tuyến đường trên cao và 1 tuyến đường mặt đất. Trong đó, sẽ có 2 tuyến kết nối với TP. HCM gồm: tuyến số 1 sẽ đi trên cao nối trung tâm Bình Dương với ga Suối Tiên (tuyến metro số 1 của TP. HCM), ưu tiên xây dựng để hoàn thành trước năm 2020.

Tuyến số 2 từ TP. Thủ Dầu Một đi TP. HCM là tuyến tàu điện nhẹ. Tuyến này sẽ đi trên cao dọc theo Quốc lộ 13 nối với tuyến metro số 3 của TP.HCM tại ngã tư Bình Phước với chiều dài 24,2 km. Với sự phát triển hạ tầng đó, cơ hội đang mở ra với các nhà đầu tư địa ốc tại Bình Dương.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}