Vinatex bất lực tìm nhà đầu tư ngoại?

Hai nhà đầu tư chiến lược mà Vinatex vừa tìm được đều là doanh nghiệp trong nước và không hoạt động cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dệt, nhuộm, may…

Vinatex bất lực tìm nhà đầu tư ngoại?

Ngày 22/9/2014, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ diễn ra phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Trước thềm IPO ít ngày, Vinatex xác nhận, đã tìm được 2 nhà đầu tư chiến lược trong nước mua 120 triệu cổ phần của Vinatex, tương đương 24% vốn điều lệ.

Đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân phối, phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam, đăng ký mua 14% vốn điều lệ, tương đương 70 triệu cổ phần.

Nhà đầu tư thứ hai là Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần, đăng ký mua 10% vốn điều lệ, tương đương 50 triệu cổ phần.

Được biết, mục tiêu của Vinatex tại phiên đấu giá ngày 22/9 là IPO 121.999.150 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ, với kỳ vọng thu về hơn 1.300 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phần.

Cho tới thời điểm này, theo thông tin từ HOSE, có hơn 90% cổ phần đấu giá đã được các nhà đầu tư đăng ký đấu giá. Theo đó, có tổng cộng 87 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 18 cá nhân nước ngoài, 3 tổ chức trong nước và 12 tổ chức nước ngoài.

Với việc công bố có 2 nhà đầu tư đã mua 120 triệu phần, có thể nói, Vinatex đã hoàn thành việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Nhưng điều bất ngờ là, cả 2 nhà đầu tư chiến lược mà Vinatex vừa công bố lại rất khác so với những thông tin trước đó về mục tiêu chọn đối tác chiến lược của Vinatex.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex từng chia sẻ, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinatex, trong 3 đối tác chiến lược thì Vinatex chỉ được chọn tối đa 1 công ty tài chính, còn lại phải là nhà sản xuất, phân phối hàng dệt may.

“Chúng tôi mong muốn đối tác chiến lược mang đến nhiều năng lực cạnh tranh về tài chính, về quản lý con người và công nghệ thị trường… Tối đa hóa lợi ích mà các cổ đông chiến lược có thể mang lại là điều Tập đoàn luôn tìm kiếm”, ông Trường khẳng định.

Nhìn vào danh tính 2 nhà đầu tư chiến lược trong nước, có thể hình dung ngay, Vinatex mới chỉ đạt được mục tiêu tìm được nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, mục tiêu lớn và xuyên suốt đối với một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng may mặc… là tìm một nhà đầu tư chiến lược cùng ngành nghề kinh doanh cốt lõi, nhưng phải là tập đoàn lớn, có quy mô hơn hẳn Vinatex, có khả năng hỗ trợ Vinatex về nhiều mặt, từ sản xuất, kinh doanh, quản trị, thị trường bán lẻ dệt may, đặc biệt lại là doanh nghiệp nước ngoài, thì vắng bóng.

Như vậy, Vinatex chưa thành công trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược để tăng khả năng hỗ trợ chuyên môn như mục tiêu đã đặt ra.

Không chỉ bất lực trong việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại cùng ngành nghề dệt may, hoặc sở hữu các chuỗi bán lẻ, ngay cả nhà đầu tư chiến lược là các quỹ đầu tư cũng chưa tìm đến Vinatex, hoặc có thể chưa lọt vào tầm ngắm Vinatex?!

Nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến quá trình cổ phần hóa của Vinatex từ những ngày đầu đến nay đều cho rằng, có vẻ như Vinatex đang đi ngược lại với những kỳ vọng và mục tiêu đưa ra về tìm kiếm cổ đông chiến lược đưa ra từ ban đầu.

Có người hoài nghi về khả năng thay đổi diện mạo của Vinatex sau khi các cổ đông chiến lược bỏ tiền mua cổ phần của tập đoàn này. Tuy nhiên, điều chắc chắn là, việc sở hữu quỹ đất lên tới 490.000 m2 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… cũng là yếu tố không nhỏ tạo sự hấp dẫn của Vinatex đối với các nhà đầu tư này.

Theo Thế Hoàng
Baodautu.vn

{fcomment}