Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng kinh tế, chính trị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Sáng 24/11, phát biểu tại hội nghị Văn hóa toàn quốc liên quan vấn đề phát triển văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 và Kết luận số 76 ngày 4/6/2020.

"Trước hết các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Chúng ta cần có nhận thức đúng để hành động đẹp", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án luật, nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam như Nhà thơ - Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng viết “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi “văn học là nhân học”.

Bộ sẽ nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân bởi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng và kỳ vọng: Sau hội nghị có tính lịch sử này, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Nguồn: https://vtc.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-van-hoa-phai-duoc-dat-ngang-hang-kinh-te-chinh-tri-ar648203.html