Các ngân hàng đã có cách tiếp cận và phát triển hiệu quả sản phẩm, dịch vụ bán lẻ cơ bản, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của thị trường 20 năm qua.
Nhưng có thể nói, bước đột phá trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam chưa thực sự diễn ra, hiện chỉ có khoảng 25-30% người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị.
Thế hệ trẻ đang thay đổi
Tại các khu vực thành thị, một khách hàng có thể sử dụng nhiều sản phẩm ngân hàng. Do đó, tỷ lệ người dùng khi tính trên số lượng tài khoản và thẻ ATM có thể cao hơn đáng kể so với lượng khách hàng thực tế. Người tiêu dùng Việt Nam đa số là người trẻ, sắc sảo và hiểu biết về công nghệ nên các ngân hàng thành công trong bán lẻ thường là các ngân hàng có thể nhạy bén nắm bắt và nhanh chóng đáp ứng tối đa nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại của khách hàng.
Một số mô hình bán lẻ đã được các ngân hàng nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình ngân hàng tiên tiến và phổ biến ở các thị trường đang phát triển khác, vẫn có những yếu tố đặc thù riêng, đòi hỏi những mô hình như vậy cần có sự điều chỉnh để thích nghi chứ không đơn giản là áp dụng nguyên mẫu.
Một số trong những thuộc tính khác biệt và cần được các ngân hàng xem xét trong việc đẩy mạnh dịch vụ tài chính, bán lẻ bao gồm: mức thu nhập khả dụng, định hướng sử dụng tiền mặt và khuôn khổ pháp lý tác động trên nhiều lĩnh vực, như sản phẩm đầu tư, phân phối điện tử,... Đồng thời, tại Việt Nam, nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân khá lớn và liên tục phát triển khi người tiêu dùng trở nên giàu có hơn và muốn một không gian sống tốt hơn hay khi họ cần hỗ trợ vốn để đầu tư vào bất động sản hoặc mở rộng kinh doanh. Với nhu cầu đáng kể của người tiêu dùng trong các lĩnh vực này, tăng trưởng tín dụng trên thực tế có thể đẩy nhanh hơn nếu người tiêu dùng có thể cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc thu nhập.
Đó là một cơ hội với nhiều thách thức cho các ngân hàng trong chiến lược đẩy mạnh bán lẻ để mở rộng các phân đoạn tín dụng hợp lý dựa trên khả năng phân tích rủi ro, nhận diện nguồn gốc thu nhập của các khách hàng.
Cho vay tiêu dùng là lĩnh vực tiềm năng khi đa số người Việt rất tích cực trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy chịu ảnh hưởng bởi nét văn hóa tiêu dùng hướng về tiết kiệm, nhưng thế hệ trẻ ngày nay đã thoải mái hơn trong việc áp dụng các phương pháp hiện đại để tích lũy tài sản và đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Điểm lưu ý là khi vẫn có một số khác biệt về các khía cạnh pháp lý và cấu trúc thị trường tài chính thì điều cần thiết là tiếp tục thực hiện các việc cần làm để giúp người tiêu dùng Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc hình thành và duy trì một lịch sử tín dụng “sạch” (không có ghi nhận về những khoản nợ xấu), cũng như cách sử dụng hiệu quả các sản phẩm vay phù hợp để tăng tích lũy tài sản và đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Thẻ tín dụng là một phần sôi động trên thị trường ngân hàng tại các nước phát triển từ những năm 1970 và đáp ứng tốt xu hướng ngày càng tăng về nhu nhập và tiêu dùng thời kỳ đó. Ở Việt Nam, quy mô ngành công nghiệp thẻ tín dụng vẫn còn khá nhỏ mặc dù tiềm năng là rất lớn.
Nhờ kinh nghiệm và sản phẩm mang tính toàn cầu, các ngân hàng quốc tế đã thành công hơn trong việc phát triển thị phần thẻ tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Bên cạnh một lượng lớn các thẻ ATM đang lưu hành, thẻ quốc tế phổ biến nhất là thẻ ghi nợ với đặc tính cho phép rút tiền mặt trong tài khoản từ bất cứ đâu trong hay ngoài nước và hỗ trợ tính năng thương mại điện tử.
Trong trường hợp của VIB đang áp dụng, Ngân hàng đã tập trung đầu tư nâng cấp thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng quốc tế suốt thời gian qua và sức cạnh tranh của các sản phẩm này của VIB trong năm 2015 sẽ tăng mạnh mẽ hơn nữa nhờ các sản phẩm sáng tạo sẽ ra mắt thị trường trong vài tháng tới.
Trên thực tế, đã có nhiều ngân hàng rất thành công và có doanh thu rất lớn trong việc đẩy mạnh phát triển mảng thẻ, đặc biệt là với thẻ tín dụng, nhất là ngân hàng nước ngoài, doanh thu từ thẻ tín dụng chiếm đến 30%.
VIB đã phát hành thẻ tín dụng từ 8 năm trước đây và tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kiểm soát tín dụng và rủi ro hoạt động bằng cách cung cấp các sản phẩm thẻ khác nhau cho các phân khúc khách hàng khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, các rủi ro thẻ có thể được kiểm soát bằng cách cung cấp các sản phẩm thẻ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng cụ thể. Tất nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều có nhu cầu hoặc đủ điều kiện được cấp thẻ tín dụng, do đó, ngân hàng cũng có các sản phẩm thẻ khác cho họ. Ở khía cạnh này, VIB đã đạt được nhiều cải tiến đáng kể về sản phẩm thẻ và hệ thống giám sát nhằm đảm bảo an toàn giao dịch cho chủ thẻ.
Định hướng của VIB là đẩy mạnh dịch vụ thẻ, trong đó tập trung vào thẻ tín dụng và Ngân hàng đã có một đơn vị chuyên trách thẻ để đẩy mạnh cho vay thấu chi qua thẻ. VIB hoàn toàn tin tưởng hệ thống hiện tại của mình có thể triển khai thành công tín dụng cá nhân và sẽ đẩy mạnh tuyển thêm 300 nhân viên để đẩy mạnh phát triển tín dụng cá nhân. VIB có trung tâm phê duyệt tập trung nên có thể dễ dàng đẩy mạnh khâu giải quyết hồ sơ cũng như kiểm soát rủi ro.
Các ngân hàng Việt Nam đã có cách tiếp cận và phát triển hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ bán lẻ cơ bản, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của thị trường trong 20 năm qua. Từ đây, thị trường sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo khi phát triển phụ thuộc vào sự hiểu biết và các giải pháp tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân cũng như phụ thuộc vào việc tận dụng các công nghệ tiên tiến sẵn có để cải thiện dịch vụ và nâng cao hiệu quả.
Sau khi thiết lập một nền tảng, những sáng tạo mang tính đột phá là cần thiết để chuyển đổi thị trường ngân hàng Việt Nam và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Nhìn nhận từ sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực cho vay tín chấp, chúng ta có thể thấy một số lĩnh vực trong thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng rất nhanh. Ngược lại, các phân đoạn cho vay có tài sản đảm bảo phụ thuộc vào xu hướng của nền kinh tế trong các lĩnh vực như đầu tư bất động sản, mua xe ô tô và mở rộng kinh doanh.
VIB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn và niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới. Điều này sẽ thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và Ngân hàng đã cải tiến các chính sách để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các phân khúc khách hàng vay mục tiêu. Vì thế, hiện VIB cung cấp các sản phẩm cho vay đa dạng để đáp ứng các nhu cầu vốn khác nhau của người tiêu dùng, kinh doanh cá thể, hộ gia đình, cho vay có tài sản đảm bảo cho nhu cầu vay bất động sản, cá nhân kinh doanh và mua ô tô…
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, trong vòng một năm qua, VIB đã cải tiến các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng cá nhân một cách đáng kể với các sản phẩm vay mới như sản phẩm cho vay ưu đãi cán bộ nhân viên, sản phẩm cho vay dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ và sản phẩm cho vay đơn giản dành cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh,... Ngoài ra, ngân hàng đã triển khai chính sách giá hấp dẫn và minh bạch hơn nữa bao gồm các khoản cho vay cố định biên độ lãi suất, theo đó, suốt thời gian vay, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ cố định. Đồng thời, VIB đang áp dụng gói cho vay lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng cố định trong suốt thời gian dài lên đến 30 tháng.
Chiến lược của VIB đẩy mạnh phát triển mô hình Ngân hàng bán lẻ, trong đó có tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Năm 2014, VIB đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% trong tín dụng và huy động mảng khách hàng cá nhân, tạo tiền đề tốt để ngân hàng bán lẻ VIB tăng tốc trong năm 2015. Nền tảng cho kết quả này là từ việc thu hút một đội ngũ quản lý mạnh và chuyên nghiệp nhất kết hợp các nhà lãnh đạo địa phương, quốc tế; mở rộng các kênh bán hàng, mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch; phát triển bổ sung các sản phẩm sáng tạo; tinh giản quy trình tín dụng; gia tăng đáng kể về độ nhận diện thương hiệu VIB trong phân khúc thị trường đã chọn. Tất cả những chiến thuật này dựa trên tầm nhìn xuyên suốt trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng của VIB.
Có thể nói, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng phát triển và quản lý tài sản của họ, không chỉ đơn giản bằng cách cung cấp các khoản vay mà còn bằng việc mở ra các môi trường đầu tư mới cũng như cung cấp những tư vấn chất lượng cao cho khách hàng để tránh rủi ro cho cả hai phía.
Có những rủi ro đáng kể cần phải được kiểm soát tốt để thành công trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, đó là phê duyệt tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro về uy tín và rủi ro lãi suất, tính thanh khoản. Tất cả những điều này đòi hỏi một sự kết hợp giữa kỹ năng và tính tuân thủ để kiểm soát nghiêm ngặt rủi ro nhưng vẫn đạt được những thành tựu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tại VIB, chúng tôi có khung quản lý rủi ro tốt, đòi hỏi cán bộ nhân viên của Ngân hàng luôn tuân thủ và đáp ứng ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về tính minh bạch cũng như trung thực.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính bán lẻ, đã từng làm việc với một số tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như HSBC, ANZ, Ngân hàng Macquarie và tổ chức phát hành thẻ quốc tế MasterCard trong suốt 28 năm qua cũng như 2 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam là Techcombank và VIB. Trong 12 năm qua, tôi đã làm việc tại 5 quốc gia khác nhau và phát hiện ra rằng, những phẩm chất quan trọng của một lãnh đạo thành công là tính bao quát - xác định một chiến lược rõ ràng, thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất cao nhất, luôn hướng tới khách hàng và kiểm soát tốt. Chính những thói quen này rất hiệu quả và là cốt lõi thành công trong tăng trưởng.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Thủ tướng: Không ngồi chờ, không có cơ chế xin cho trong phòng chống Covid-19
-
Hé lộ 2 căn nhà liền kề Phạm Quỳnh Anh vừa mua tặng con gái
-
TTCK sẽ tăng nhẹ trong tháng 8
-
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới dù GDP gây thất vọng, giá dầu xuống đáy 2 tuần
-
Bảo Việt lần đầu ra mắt báo cáo thường niên tích hợp
-
Nam thanh niên cắt tôn bị mảnh sắt xuyên thủng nhãn cầu
-
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu nào sẽ hút tiền?
-
Chứng khoán tăng phiên thứ hai liên tiếp
-
Yêu nhau 1 tháng, chàng đề cập chuyện “nhà nghỉ”
-
Vũ khí 'làm mưa làm gió' trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan