Cơ hội cho làn sóng M&A thứ hai

 Sự hồi phục và nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp  nhà nước (DNNN) sẽ khiến chuyện mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trở nên nóng hổi trong thời gian tới. Một làn sóng M&A thứ hai sắp bắt đầu.

 

Cơ hội cho làn sóng M&A thứ hai

 

DNNN “hâm nóng” M&A

Giữa tháng 6/2014, một quyết định được giới đầu tư nước ngoài mong chờ bao năm qua đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành: Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động VMS (MobiFone) sẽ được tách khỏi Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), sau đó sẽ được thực hiện cổ phần hóa. Phương án cổ phần hóa công ty này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ thông qua trong năm 2014.

Kế hoạch cổ phần hóa MobiFone đáng lẽ được thực hiện từ năm 2006, nhưng rồi liên tục bị trì hoãn trong thời gian qua, thậm chí còn là sự dùng dằng ra đi hay ở lại với VNPT. Điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài thất vọng.

Là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành viễn thông Việt Nam, nhất là vào thời điểm Viettel còn chưa mạnh như bây giờ, ngay khi ý tưởng cổ phần hóa MobiFone được phác họa, không ít tên tuổi lớn của ngành viễn thông di động quốc tế đã “đặt gạch” để trở thành đối tác chiến lược trong công ty này. Cách đây khoảng 2-3 năm, dư luận thậm chí đã nhắc tới 5 cái tên cuối cùng trong danh sách ứng viên tiềm năng, bao gồm cả các đại gia đến từ Pháp, Singapore...

Bây giờ thì hy vọng đó lại đang được thắp lên, khi những thông tin ban đầu về kế hoạch cổ phần hóa MobiFone đã được hé lộ. Dù việc định giá công ty này, 2 hay 3 tỷ USD, và phương án bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, giữ bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước..., còn chưa được quyết định, nhưng nhiều dự đoán cho rằng, sắp có một “làn sóng ngầm” trong cuộc đua tranh để trở thành người “kề vai sát cánh” với MobiFone trong bước đường phát triển sắp tới. Vì thế, sẽ nóng IPO và nóng cả M&A trong thời gian tới.

Một cái tên khác cũng đang gây được sự chú ý, đó là Vietnam Airlines. Nếu mọi việc với MobiFone còn chưa thật rõ ràng, thì với Vietnam Airlines, từng bước đi cho quá trình cổ phần hóa và IPO đã được định hình. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã ban hành quyết định rằng, giá trị doanh nghiệp của Vietnam Airlines theo sổ sách kế toán tại thời điểm 31/3/2013 là hơn 57.156,5 tỷ đồng (tương đương 2,74 tỷ USD). Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được tiến hành trong 6 tháng cuối năm 2014. Và từ ngày 1/1/2015, Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm lúc này, đó là ai sẽ trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines. Báo cáo của Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, để trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines, nhà đầu tư sẽ phải chi ít nhất 6.300 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD. Con số này tương đương lợi nhuận một năm của một số hãng hàng không lớn.

“Trong liên minh SkyTeam, cái tên sáng giá nhất là Delta Airline của Hoa Kỳ, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới. Hãng này hiện có đội bay lên đến 750 chiếc với tổng tài sản đạt xấp xỉ 60 tỷ USD”, báo cáo của Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét.

Và không chỉ MobiFone, Vietnam Airlines, mà Sabeco, Vinatex, BIDV… cũng là những cái tên được cho là sẽ “hâm nóng” thị trường M&A, vốn đang bắt đầu có xu hướng chậm lại vào năm 2013. Thậm chí, còn hàng trăm DNNN khác nữa, bởi tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, kiên quyết thực hiện bài bản, có lộ trình việc cổ phần hóa 432 DNNN theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các DNNN cần phải cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn DN 100% vốn nhà nước và DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Đó là chưa kể tới yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN.

“Chủ trương của Chính phủ đã rất rõ ràng đối với các DNNN nói chung, cũng như các đề án cổ phần hóa của các DN lớn. Các hoạt động quảng bá (roadshow) cũng đã được một số DNNN, như Vinatex và sắp tới là BIDV, thực hiện bài bản và chủ động hơn. Ở một góc độ khác, thậm chí Chính phủ đã cho phép thoái vốn dưới mệnh giá - tiền lệ chưa bao giờ có. Trên thị trường chứng khoán, việc nới room sở hữu cho nước ngoài cũng có thể được thực hiện. Tất cả các chuyển biến trên, theo chúng tôi, là tiền đề cho sự đẩy mạnh các giao dịch lớn về cổ phần vào các DN Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Thuân, Giám đốc Công ty Dữ liệu và Truyền thông Tài chính StoxPlus đã bình luận như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Cùng chung quan điểm, ông Phan Thanh Bình, Trưởng bộ phận Tư vấn M&A của KPMG Ltd. cho rằng, việc tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN không những góp phần thúc đẩy thị trường M&A trong vài năm tới, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.

“Việc cổ phần hóa các DNNN lớn như MobiFone và Vietnam Airlines nếu thành công, sẽ tạo được một cú hích lớn cho một làn sóng cổ phần hóa nhanh và mạnh của các DN khác. Chúng tôi hy vọng rằng, với quyết tâm của Chính phủ, của các ban, ngành liên quan và của bản thân các DN, tới đây, việc cổ phần hóa DNNN sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn”, ông Bình nói.

Và tất nhiên, cùng với tiến trình cổ phần hóa DNNN, sẽ thêm hàng cho IPO, tăng lực cho M&A.

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố cơ bản thúc đẩy M&A trong thời gian tới


Có hay không một làn sóng M&A thứ hai?

Báo cáo của Diễn đàn M&A Việt Nam có một cái nhìn rất lạc quan khi khẳng định rằng: “Chúng ta sắp được chứng kiến làn sóng các cuộc IPO của DNNN lớn, những thương vụ M&A đúng nghĩa và những chiến lược thâu tóm để tăng trưởng đột phá”.

Không sai khi khẳng định điều này, bởi chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã hơn một lần nhấn mạnh, M&A sẽ là vấn đề nóng trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và tái cấu trúc nền kinh tế. “Chương trình cổ phần hóa DNNN đang mở ra những cơ hội mới cho thị trường M&A. Mặt khác, làn sóng mới trong hoạt động M&A sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nền kinh tế và cổ phần hoá DNNN”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Thực thế, không chỉ là các DNNN đang góp phần “hâm nóng” thị trường M&A Việt Nam, mà theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô… sẽ là những yếu tố cơ bản thúc đẩy M&A trong thời gian tới.

“Không phải sức ép từ cơ quan quản lý, mà chính sự vận động của thị trường đã buộc các ngân hàng phải thực hiện M&A trong thời gian qua. Nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất là đối với các ngân hàng có cùng bóng dáng một chủ sở hữu, thì việc sáp nhập là phù hợp”, ông Thành nói và phân tích rằng, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các khoản đầu tư tràn lan trước kia không còn hiệu quả, trong khi ngân hàng đang cần một nguồn vốn bổ sung để tái cơ cấu và phát triển. Vì vậy, với các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, yếu kém, giải pháp M&A là tốt nhất.

Không phải chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, M&A còn là giải pháp đã được lựa chọn của bất động sản, các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm… và nhìn chung là ở nhiều ngành sản xuất khác nhau.

Những thông tin ban đầu về kế hoạch cổ phần hóa MobiFone đã được hé lộ

5 năm 2009 - 2012, khi kinh tế khó khăn, hệ thống DN suy kiệt, đối mặt với nợ xấu và nguy cơ phá sản, cộng thêm xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trên toàn cầu, thị trường M&A Việt Nam đã bùng phát làn sóng thứ nhất, với hai xu hướng chính được nhấn mạnh, đó là yếu bị mua và khỏe được mua.

Bước phát triển mạnh mẽ này đã khiến thị trường M&A Việt Nam từ chỗ chỉ đạt 1,08 tỷ USD trong năm 2009, đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2012, đạt con số kỷ lục trên 5,1 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, sang năm 2013, M&A đã chậm lại, với khoảng 4 tỷ USD.

6 tháng đầu năm nay, toàn thị trường có khoảng 83 thương vụ (theo thống kê của Capital IQ), ít hơn 6 tháng đầu năm trước 10 thương vụ. Quy mô các thương vụ này cũng không lớn. Các thương vụ được nhắc tới gần đây là một tỷ phú người Israel - Tgal David Ahouvi mua lại Alma Resort tại Khánh Hòa; hay Sunwah Group, một nhà đầu tư bất động sản Hồng Kông mua 48% cổ phần của dự án căn hộ tại số 90 Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM; rồi VinaCapital đã hoàn thành việc bán cổ phần tại Movenpick Hotel Saigon cho một đối tác khác; VIB Bank mua lại Công ty Tài chính than -khoáng sản...

Nhưng những thương vụ này rõ ràng chưa đủ để làm nên một làn sóng mới. “Theo phân tích của chúng tôi thì chưa có làn sóng nào trong năm 2014. Thực tế năm 2013 cũng ghi nhận sự suy giảm cả về quy mô giao dịch và số lượng thương vụ so với năm 2012 và 2011 - thời đỉnh điểm của khủng hoảng và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thuân nói, đồng thời bày tỏ quan điểm rằng, việc kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có dấu hiệu tốt lên, với tăng trưởng GDP qua từng quý đều tăng và GDP 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng 5,18%, lạm phát ở mức thấp, sẽ có những tác động khác nhau lên thị trường M&A.

“Ở góc độ niềm tin vào một môi trường vĩ mô có sự ổn định hơn, thì đó là yếu tố tích cực. Nhưng ở góc độ kỹ thuật và định giá các thương vụ, thì rõ ràng điều này không có lợi cho các bên. Bởi khi vĩ mô ổn định, các DN Việt Nam chủ động được về tài chính và kinh doanh, thì áp lực chuyển nhượng thấp hơn”, ông Thuân nhận định.

Phân tích kỹ hơn về thị trường, ông Thuân đã nhắc nhiều hơn tới sự phụ thuộc của làn sóng M&A ở thị trường Việt Nam vào các chính sách và chương trình cải tổ lớn của Chính phủ Việt Nam. “Đó chính là tái cấu trúc ngành ngân hàng, thông qua việc có thể cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại đến 100% cổ phần của một số ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. Hoặc đó là chương trình đang được chuẩn bị mạnh mẽ thời gian gần đây - đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN”, ông Thuân nói.

Xem ra, thị trường M&A thời gian tới sẽ phụ thuộc mạnh mẽ vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và cổ phần hóa DNNN. Nhìn ở thời điểm hiện tại, dù kế hoạch IPO Vietnam Airlines, hay Vinatex, rồi cổ phần hóa MobiFone, BIDV… đã được nhắc tới, song khả năng hoàn tất ngay trong năm nay cũng không phải dễ dàng.

Trong khi đó, theo nhận định gần đây của Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều đang chuẩn bị và có lộ trình niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung vào năm 2015. Các ngân hàng, trong năm nay, sẽ tập trung vào đề án tái cơ cấu và một số có đề án hợp nhất, sáp nhập, thay vì thực hiện việc niêm yết.

Nhìn ở động thái này, thì có thể thấy, điểm đầu của cơn sóng lớn M&A thứ hai nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào cuối năm sau. “Tôi cho rằng, các thương vụ có giá trị lớn sẽ được thực hiện vào cuối năm 2015 và trong năm 2016. Những thương vụ có tầm cỡ quốc gia sẽ tạo tiền đề thúc đẩy làn sóng M&A mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác, với giá trị bình quân mỗi thương vụ cũng sẽ cao hơn mức hiện nay”, ông Bình dự báo.

Còn theo đánh giá của Diễn đàn M&A Việt Nam, làn sóng M&A thứ hai sẽ được chờ đợi với giá trị tăng mạnh mẽ hơn so với giai đoạn thứ nhất, với giá trị ước đạt 20 tỷ USD cho giai đoạn 2014 - 2018. Con số này tăng lên đáng kể so với giai đoạn I (2008 - 2013), với giá trị đạt mốc 15 tỷ USD.

Sóng M&A sẽ đến, nhưng không phải ngay lúc này. Giờ đang là “khoảng lặng” cho một cơn bão mạnh sắp cập bờ.

Kỳ vọng một làn sóng ngược

Trong khi những đánh giá về một làn sóng M&A thứ hai ở Việt Nam là khá tích cực, thì một động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam được đánh giá rất cao, đó là việc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang được sửa đổi. “Sửa đổi luật, chúng tôi sẽ có riêng một phần dành cho M&A”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, không chỉ với hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam mà cả hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bao gồm cả thông qua M&A, sẽ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi. Như vậy, cả điều kiện cần và điều kiện đủ cho một làn sóng M&A mới đều đã có. Điều căn bản nhất hiện nay, đó là chúng ta có tận dụng được cơ hội ấy không.

Ở chiều xuôi, tức là làn sóng M&A từ nước ngoài vào Việt Nam, theo ông Thuân, vấn đề không chỉ nằm ở những cơ hội mang lại thông qua tái cấu trúc nền kinh tế và cổ phần hóa DNNN, bởi đó chỉ là một phần của câu chuyện.

“Các nhà đầu tư nước ngoài có tham gia đầu tư và đầu tư lớn hay không sẽ lại phụ thuộc phần lớn vào sự hấp dẫn của mô hình kinh doanh của DN Việt Nam trong sự tương quan và bổ trợ chiến lược mở rộng và ‘quốc tế hóa’ của nhiều tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là từ ASEAN”, ông Thuân nhận định.

Trong khi đó, ông Bình lại nhắc đến những vấn đề liên quan đến chuyện định giá, xử lý các vấn đề tồn đọng về đất đai, lao động, việc sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa… “Việc Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ cổ phần chi phối và thường chỉ bán tối đa 20-30% cổ phần trong các công ty lớn có thể vẫn chưa làm hài lòng các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông chiến lược, những người thường muốn có cơ hội tham gia điều hành và kiểm soát doanh nghiệp sau đầu tư một cách sâu rộng hơn”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, trong khi làn sóng các nhà đầu tư ngoại đổ vào Việt Nam thông qua M&A ngày càng mạnh lên, thì cũng đang có những kỳ vọng về một làn sóng M&A ngược.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, cách đây chưa lâu, thị trường Việt Nam đã xôn xao trước thông tin FPT đã hoàn thành việc ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua Công ty RWE IT Slovakia. Đây là thương vụ M&A đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và DN công nghệ - thông tin Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các thương vụ M&A với đối tác ngoại trong thời gian gần đây của các DN Việt. Cuối tháng 12/2013, Vinamilk công bố mua lại 70% cổ phần của Công ty Sữa Driftwood Dairy (Hoa Kỳ). Trước đó, tháng 8/2012, Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) đã thông qua chủ trương thực hiện Dự án đầu tư thiết lập và khai thác mạng viễn thông tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania thông qua việc mua lại 65% cổ phần của Công ty EPOCHA & GOLDEN OCEAN TANZANIA LIMITED (EGOTEL). Tháng 10/2012, PetroVietnam cũng thông báo đã hoàn tất việc mua lại Oil Blocks No.67, Maranon river tại Peru…

Xu hướng các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thông qua M&A đã trở nên rõ ràng hơn. Đây là điều đáng mừng và thực chất, việc M&A ở nước ngoài của các DN Việt phần lớn xuất phát từ việc giải quyết câu chuyện mô hình phát triển và tăng trưởng hoặc bổ sung/hoàn thiện chuỗi giá trị (value chain) cho mô hình hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay.

Cụ thể, đối với FPT, trước áp lực duy trì tốc độ tăng trưởng trên dưới 20% trong hàng chục năm qua, việc mở rộng ra thị trường nước ngoài một cách mạnh mẽ là điều dễ hiểu đối với tập đoàn này. Hay với Viettel, tập đoàn viễn thông quy mô lớn này cũng đang phải oằn mình trước áp lực về mô hình phát triển và một thị trường Việt Nam đã tới hạn, không đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển của họ.

“Các hoạt động này cho thấy, các DN Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh hơn và mong muốn vươn rộng cánh tay ra thế giới. Đây là điều thực sự rất đáng mừng”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhận xét.

DN Việt Nam đã mạnh hơn để có thể vươn ra thế giới và thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa, giấc mơ mà nhiều năm trước đây, ít DN Việt Nam nào dám mộng tưởng. Nhưng nay đã khác, bất chấp kinh tế khó khăn, một bộ phận không nhỏ DN Việt vẫn sản xuất - kinh doanh với tốc độ tăng trưởng nhanh.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT thậm chí còn chia sẻ kế hoạch trong vòng 3 năm tới, mỗi năm sẽ dành khoảng 50 triệu USD cho các thương vụ M&A. “Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội M&A, đặc biệt là từ thị trường nước ngoài. Hiện chúng tôi kỳ vọng mỗi năm FPT có thể thực hiện thành công hai thương vụ M&A”, ông Ngọc nói.

Nhưng liệu các yếu tố này có đủ làm nên một làn sóng M&A ngược?

“Hoạt động M&A của các công ty Việt Nam ra nước ngoài còn rất hạn chế. Họ cần được hỗ trợ nhiều hơn về hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi…”, ông Bình nói và đứng ở vai trò là nhà tư vấn, ông cho rằng, các DN cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường, về văn hóa, pháp lý, tài chính, quản trị, nhân sự, công nghệ… của DN mà mình dự định đầu tư.

“Hãy cân nhắc và đánh giá toàn diện các rủi ro, lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng cho các giai đoạn trước và sau sáp nhập. Nên nhớ, ký hợp đồng M&A chỉ là bước khởi đầu của một quá trình”, ông Bình khuyến cáo.

Nguyên Đức

nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn


{fcomment}