ĐHCĐ VPBank: Lợi nhuận 5 tháng đầu năm khoảng 5.100 tỷ đồng

Đại hội đồng cổ đông VPBank 2020

Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Nguyễn Đức Vĩnh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã được xây dựng với mục tiêu hết sức tham vọng vào cuối năm 2019 với mức tăng lợi nhuận 29% so với năm 2019, tương đương lợi nhuận trên dưới 14.000 tỷ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng Covid-19, ban lãnh đạo ngân hàng nhận thức rằng bảo toàn lực lượng, bảo toàn vốn, bảo đảm thanh khoản… là mục tiêu quan trọng nhất.

"Chúng tôi đã lựa chọn kịch bản A - kịch bản tương đối lạc quan - là Việt Nam có thể kiểm soát được Covid-19 trước thời điểm cuối tháng 6 và thực tế đã diễn ra tốt hơn. Rất may kịch bản A đã và đang trở thành hiện thực. Tuy nhiên vẫn hết sức phải cảnh giác, các kịch bản xấu hơn vẫn nằm ở trên bàn và sẽ được kích hoạt khi tình hình xấu đi. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch", ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Kịch bản A, theo ông Vinh, tương đương với tăng trưởng GDP khoảng 2%.

Người đứng đầu ban điều hành VPBank cho biết ngân hàng đã áp dụng các chính sách thắt chặt tín dụng như giảm tín dụng ở phân khúc rủi ro, tăng cường bán chéo, giảm thu nhập nhân viên, cắt giảm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

"Chúng tôi cũng nỗ lực phát triển những hoạt động ít chịu ảnh hưởng bởi dịch như đầu tư công nghệ, tăng năng suất, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới ở nhóm khách hàng ít chịu ảnh hưởng như xây dựng hạ tầng, công nghệ", ông Vinh cho hay.

Tổng giám đốc VPBank cho biết mục tiêu năm 2020 với lợi nhuận giảm 1,1% (ở mức khoảng 10.200 tỷ đồng) là mục tiêu thận trọng, trong đó tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến khoảng 15%, còn FE Credit thì phải tăng dự phòng trong bối cảnh dịch bệnh.

"Nếu tình hình tiếp tục diễn biến tích cực thì ban lãnh đạo đặt ra quyết tâm cao hơn, khoảng từ 10 đến 20% so với mục tiêu hiện tại tùy vào diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới", ông Nguyễn Đức Vinh nói.

Vị lãnh đạo này tiết lộ đến hết tháng 4, lợi nhuận trước thuế của VPBank ở mức khoảng 4.000 tỷ đồng. Hết tháng 5 ước tính khoảng 5.100 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng dự kiến khoảng trên dưới 6.000 tỷ đồng.

(Tiếp tục cập nhật...)

* * *

Báo cáo của Ban điều hành VPBank gửi đến cổ đông cho hay năm 2020, theo dự báo của các tổ chức thế giới, nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế Mỹ - Trung cùng với sự bất ổn trong việc điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, dưới tác động của dịch bệnh với những diễn biến tiêu cực và ảnh hưởng toàn diện ở phạm vi toàn cầu, các kịch bản với mức tăng trưởng thấp hơn đang được đưa ra nhằm bám sát với tình hình kinh tế với những yếu tố bất lợi liên tục thay đổi.

Ban điều hành VPBank nhận định ngành ngân hàng cũng sẽ chịu những tác động trực diện từ những yếu tố trên. Dự báo mức trần tăng trưởng tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều tiết ở mức 14% cùng với việc đưa ra chính sách tiền tệ thận trọng nhưng vẫn đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng thắt chặt theo lộ trình để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Năm 2020, VPBank cho biết sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ở tất cả các khối kinh doanh, đặc biệt là các phân khúc chiến lược.

"Tăng trưởng về quy mô (cho vay, huy động, doanh thu..) phải đi đôi với nâng cao hiệu quả (năng suất bán, hiệu suất vận hành, quản trị rủi ro…). Trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần duy trì các hoạt động kinh doanh cốt lõi và đảm bảo sự hỗ trợ cho khách hàng", Ban điều hành VPBank cho hay.

Phía VPBank thông tin rằng tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Hiện nay các kịch bản ứng phó cho các tình huống khống chế dịch bệnh được xây dựng để có phương án ứng xử kinh doanh, vận hành hiệu quả nhất.

"VPBank hy vọng kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước vào cuối quý II/2020, các hoạt động phục hồi cuộc sống và kinh tế sẽ diễn ra sau đó. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và từ đó ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng", Ban điều hành ngân hàng này nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 10.214 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để thực hiện kế hoạch này, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay ở mức 12,3%, đạt 304.744 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ dự kiến dưới 3%. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến ở mức 10,4%, đạt 299.728 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối năm 2020 dự kiến ở mức 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7% sau một năm.

Về cổ tức, HĐQT VPBank quyết định trình cổ đông kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

HĐQT VPBank cũng trình kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn cổ phiếu quỹ với số lượng 17 triệu cổ phiếu, giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm, 35% sau 3 năm.

Tại đại hội tới, VPBank cũng dự kiến bầu mới HĐQT và Ban kiểm soát. Ông Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân, ông Lô Bằng Giang, ông Nguyễn Đức Vinh, ông Nguyễn Văn Phúc là các ứng viên đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, trong đó ông Nguyễn Văn Phúc là ứng viên Thành viên HĐQT độc lập.

Ông Nguyễn Văn Phúc từng là đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Ban kiểm soát dự kiến gồm bà Nguyễn Thị Mai Trinh, bà Trịnh Thị Thanh Hằng, bà Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.


Nguồn: Báo Vietnam Finance