Với 5 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã xác lập đỉnh mới trong năm nay, đạt 629,06 điểm khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua (26/8). Sự hưng phấn của thị trường lan tỏa sang cả sàn HNX và UPCoM cho thấy tâm lý của nhà đầu tư lạc quan hơn. Chu kỳ tăng điểm đã được xác lập sau một thời gian dài tích lũy nhưng có bền vững hay không là câu hỏi thời sự? Lãnh đạo một số CTCK đã chia sẻ quan điểm với ĐTCK.
Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACBS
Sau một thời gian tích lũy, TTCK đã có những phiên tăng điểm ấn tượng và liên tiếp lập “đỉnh” mới của năm. Với cảm nhận của cá nhân, tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực và tiếp tục xác lập đỉnh mới.
Có nhiều lý do để tôi tin vào sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới như: TTCK Mỹ - thị trường có ảnh hưởng khá lớn đến chứng khoán toàn cầu, đang ngày một tốt hơn, tạo tâm lý ổn định hơn cho các thị trường nói chung.
Thứ hai, nhìn vào các yếu tố vĩ mô, dù chưa có nhiều điểm đột phá nhưng vẫn giữ được mức ổn định và sẽ có những chuyển biến tích cực hơn về cuối năm khi lạm phát, tỷ giá vẫn đang được kiểm soát, trong khi lãi suất sẽ tiếp tục có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của khối DN niêm yết cũng cho thấy, số DN có lãi đang tăng…
Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là khối lượng giao dịch đang được cải thiện rõ rệt sau thời gian dài tích lũy quanh mốc cản 600 điểm. Với tất cả yếu tố trên, chúng tôi tin rằng, thị trường sẽ bắt đầu một xu hướng mới và trở lại chu kỳ tăng điểm.
“Cộng hưởng giữa cầu nội và cầu ngoại sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực”
Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS)
Tôi cho rằng 3 phiên bứt phá vừa qua là những bước đi đầu tiên khẳng định nhịp tăng điểm trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư giao dịch hưng phấn hơn và dòng tiền được thu hút vào nhiều nhóm cổ phiếu, củng cố thêm đà tăng của thị trường.
Rõ ràng, yếu tố nền tảng hỗ trợ cho thị trường vẫn đến từ nền kinh tế. Sự ổn định được duy trì tốt, CPI tăng thấp trong 8 tháng đầu năm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục có diễn biến giảm trong tháng tới, tạo điều kiện tốt để mặt bằng lãi suất huy động có thể được điều chỉnh giảm.
Đứng từ góc độ DN, việc lãi suất huy động giảm là điều kiện quan trọng để mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm, qua đó giúp DN giảm chi phí trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn. Từ góc độ TTCK, hiệu ứng dòng vốn rẻ sẽ tiếp tục được kích thích. Kênh đầu tư tiết kiệm sẽ trở nên kém hấp dẫn và do vậy, chứng khoán sẽ được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn, nhất là khi thị trường đang có những diễn biến khá tích cực.
“Nền tảng vĩ mô và nội lực của chính DN đang ủng hộ thị trường”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)
Như quan điểm tôi đã khẳng định từ buổi giao lưu đầu năm 2014 do Báo ĐTCK tổ chức, 2014 là năm có yếu tố thiên thời về tăng trưởng dài hạn của TTCK dựa trên các yếu tố: lãi suất thấp và có xu hướng giảm; các chính sách chống vàng hóa, đô la hóa phát huy tác dụng; nhà đầu tư bế tắc trong việc lựa chọn kênh đầu tư do bất động sản chưa thật sự khởi sắc. Trên TTCK, giá cổ phiếu của DN đã được nhà đầu tư nhìn nhận và phản ánh sát với tình hình thực tế hơn…
Xét trong ngắn hạn (2 - 3 tháng), thị trường khó có sự tăng trưởng bền vững như ở giai đoạn vừa qua, bởi sau một chu kỳ tăng sẽ đến một chu kỳ điều chỉnh. Hơn nữa, nguồn vốn margin đã tăng trưởng mạnh và khó có nguồn vốn từ ngân hàng đẩy thêm vào thị trường trong ngắn hạn, chưa kể một số cổ phiếu đã có P/E tương đối cao so với thời điểm năm 2013.
Mặc dù vậy, “điểm tựa” của thị trường ở giai đoạn hiện nay chính là nền tảng vĩ mô và “nội lực” của chính các DN. Cả hai yếu tố này hiện vẫn đang ủng hộ thị trường, nên tôi tin thị trường tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong dài hạn.
“Xu hướng tăng điểm trung hạn là không phải bàn cãi”
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Maritime Bank (MSBS)
Ngay từ đầu năm, tôi vẫn giữ quan điểm thị trường đang vào uptrend, chỉ số VN-Index đang ở kênh tăng giá trung hạn và việc chỉ số leo lên các mốc kháng cự quan trọng 610 - 630 - 650 điểm chỉ là vấn đề thời gian. Tâm lý nhà đầu tư cũng tốt hơn, diễn biến vĩ mô cũng đang hỗ trợ cho dòng tiền tham gia vào thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã chạm sát mốc 610 điểm vào tháng 4/2014, sau đó điều chỉnh, rồi lại dễ dàng vượt qua mốc 610 và chạm 630 điểm trong phiên giao dịch 26/8/2014. Điều đó chứng tỏ xu hướng tăng điểm trung hạn của thị trường là không phải bàn cãi, dòng tiền đồng thuận tham gia mạnh mẽ vào nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu lớn đầu ngành (GAS, PVD, VIC, MSN...).
Tính bền vững của thị trường cũng được thể hiện qua việc nhiều nhóm cổ phiếu như đầu cơ, bluechips, midcap đồng loạt tăng điểm với thanh khoản cao. Tôi kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 650 điểm, thậm chí là 700 điểm trong tương lai gần.
Trên TTCK, yếu tố tâm lý luôn có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế vĩ mô, nhất là triển vọng của nhiều DN niêm yết, họ sẽ tự tin nắm giữ cổ phiếu hơn.
Bên cạnh những thông tin hỗ trợ thị trường như thông tin kết quả kinh doanh quý III của các DN niêm yết, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng dự báo quý III/2014 sẽ tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thì việc ra đời của các quỹ ETF nội cũng phần nào tác động tích cực đến tâm lý và giá các cổ phiếu lớn. Do đó, thị trường tăng điểm mạnh cũng là điều dễ hiểu.
{fcomment}
-
Tháng Tám: VN-Index khả năng sẽ vượt đỉnh vùng 1.211 điểm của năm 2018
-
5 kinh nghiệm tránh cảnh 'móc túi' oan uổng từ thợ sửa điều hòa
-
Hóa đơn ghi tên, quốc tịch khách nước ngoài chưa chính xác vẫn hợp lệ
-
Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường chứng khoán hồi phục mạnh
-
Tỷ phú Elon Musk lại khiến giá Bitcoin giảm kỷ lục
-
COVID-19 diễn biến xấu, Mỹ giảm hy vọng hồi phục kinh tế
-
Các dự án của Thiên Thanh sẽ thế nào sau 3 lệnh khởi tố?
-
Giá vàng quay đầu giảm phiên cuối tuần sau khi đồng USD tăng trở lại
-
Top tỷ phú giàu nhất thế giới mất hàng chục tỷ USD năm 2015
-
Những loài hoa gắn bó với đất nước và con người Việt Nam