Doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật

Với nhiều thay đổi quan trọng, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi hướng đến việc giảm thiểu tối đa tình trạng quan liêu hành chính và huy động nhiều hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật

Đẩy mạnh hoạt động chứng khoán

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã thừa nhận quyền của doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu. Nếu như phiên bản trước đây yêu cầu chủ thể phát hành trái phiếu phải có lợi nhuận, một yêu cầu không tưởng đối với các công ty SPV (những công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt nào đó, thường là giúp làm sạch báo cáo tài chính của công ty mẹ), thì đến Dự thảo này, yêu cầu chỉ còn là có khả năng thanh toán, ví như có khả năng hoàn trả nợ khi đến hạn.

Việc bãi bỏ quy định như trên có khả năng tạo ra nhiều cơ hội cho quá trình phát triển của thị trường chứng khoán. Một lần nữa, đây được xem như một khởi sắc cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và cổ phần hóa tại Việt Nam.

Có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật

Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ quan tâm đối với quy định về “người đại diện theo pháp luật” của một doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo đó, người này là chủ thể duy nhất có quyền ban hành các quyết định của doanh nghiệp. Và vì vậy, việc sa thải một người đại diện theo pháp luật thường sẽ là một cuộc tranh luận không có hồi kết giữa các cổ đông trong công ty hoặc của một bên thứ ba ngạc nhiên khi biết rằng, giám đốc - người ký kết các hợp đồng- lại không phải là người đại diện theo pháp luật.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã hình dung được một công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, có nhiều hơn một đỉnh đầu, với mục đích loại bỏ đi những tranh cãi cũ kỹ giữa các cổ đông trong doanh nghiệp trong nước, đồng thời mang pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam đến một bước phát triển hơn.

Vốn điều lệ sẽ là vốn đã góp đủ

Trước đây, cơ quan nhà nước thường đánh giá khả năng của một doanh nghiệp thông qua vốn điều lệ của doanh nghiệp. Hiểu được điều này, nhiều công ty đã được thành lập với mức vốn điều lệ đăng ký cực kỳ cao, mà mức này sẽ không bao giờ có thể được hoàn thành.

Để tránh tình trạng trên, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định vốn điều lệ phải là vốn đã được góp đủ và phải được góp trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập. Bên cạnh vốn đã góp đủ, có thể có các cổ phần được quyền chào bán, nhưng sẽ không được xem là vốn điều lệ.

Bất kỳ hoạt động phát hành cổ phiếu nào bên ngoài phạm vi cổ phần được quyền chào bán sẽ hoặc tuân thủ theo quy định về thủ tục chào bán ra công chúng (đăng ký tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) hoặc chào bán cổ phần riêng lẻ (thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương).

Hỗ trợ từ phía cộng đồng doanh nghiệp

Sự đổi mới trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ mang đến một ảnh hưởng to lớn cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Dự thảo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập, đặc biệt là những doanh nghiệp sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài và đồng thời giảm thiểu các chi phí khi các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, Dự thảo cũng sẽ đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của những nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan.

Nếu được triển khai, sự thay đổi của Dự thảo sẽ phá bỏ rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Luật mới cũng không rõ ràng và vẫn còn mơ hồ, thì tình trạng quan liêu và hàng loạt khó khăn khác là không thể tránh khỏi.

Hiện nay, Ban soạn thảo đã và đang nhận được sự hỗ trợ khá khiêm tốn từ phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) thông qua tổ chức hội thảo. Đây là thời điểm cho cộng đồng doanh nghiệp và các công ty luật cùng hỗ trợ bằng cách đưa ra các yêu cầu hoặc ví dụ về các rào cản kỹ thuật và rào cản trong việc lên tiếng đến với Quốc hội, để Dự thảo được bổ sung và hoàn thiện nhất.

Theo TS. Lê Nết (Trưởng Văn phòng Luật sư LNT)
Baodautu.vn

{fcomment}