Đọc báo cáo thường niên của ngân hàng niêm yết, thấy gì?

 Trong hơn 100 BCTN được chấm điểm chung khảo, nhóm DN ngành tài chính, ngân hàng được đánh giá chuyên nghiệp hơn các DN ngành nghề khác khi thể hiện BCTN. Tuy vậy, đọc kỹ các BCTN của ngân hàng, vẫn còn nhiều điểm muốn được góp ý.

Đọc báo cáo thường niên của ngân hàng niêm yết, thấy gì?

Thừa số nhưng thiếu hồn

Nói tới ngân hàng là nói tới các con số, vì thế, việc BCTN của các ngân hàng có cả “rừng con số” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải cứ đưa ra nhiều con số là ngân hàng đã cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính, hoạt động của mình đến các cổ đông, nhà đầu tư.

Thực tế này cũng được phản ánh trong Cẩm nang Quản trị công ty tại Việt Nam do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hợp tác xuất bản. Báo cáo có đoạn viết: “Việc công bố thông tin đôi khi bị nhầm lẫn với tính minh bạch. Dù mới nhìn qua thì việc công bố thông tin và tính minh bạch có vẻ là một, nhưng thực tế đó là hai khái niệm khác nhau. Công ty có thể công bố một lượng lớn thông tin không có giá trị đối với những người sử dụng thông tin. Những thông tin quan trọng có thể bị che đậy. Thông tin được công bố có thể không thích hợp, hoặc tệ hơn, bị bóp méo để che đậy tình hình thực tế của công ty”.

Dù cơ cấu sở hữu được công bố theo yêu cầu của pháp luật, nhưng tại không ít doanh nghiệp, những chủ sở hữu thực sự và mức độ kiểm soát của họ vẫn có thể bị che giấu sau những cơ cấu sở hữu phức tạp. Chẳng hạn, luật quy định một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng, nhưng vẫn tồn tại tình trạng một số cá nhân có quyền kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của một ngân hàng. Nếu chỉ đọc BCTN của các ngân hàng thì không thể nhận diện được điều đó.

Sở hữu chéo và lợi ích nhóm vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, đe dọa đến tính an toàn trong hoạt động của ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế. Dẫu vậy, trong BCTN, không ngân hàng nào “dám” tuyên bố rằng ngân hàng mình không có những vấn nạn này, ngoại trừ MBB. BCTN của ngân hàng này có đoạn viết: “Chúng tôi tự hào có một cơ cấu cổ đông vững mạnh, thống nhất và không có lợi ích nhóm”. Còn VCB thì đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 một cách rất “chừng mực”: “Chuẩn bị các điều kiện để cổ phần hóa một số công ty con. Tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề sở hữu chéo và đầu tư góp vốn mua cổ phần”.

Như vậy, “hồn” ở đây trước hết muốn nói đến những con số và thông tin có ý nghĩa giúp các cổ đông có thể thực hiện đầy đủ quyền sở hữu của mình. “Hồn” còn là sự tâm huyết của những người quản trị và điều hành ngân hàng gửi vào thông điệp của mình trong BCTN. Tuy nhiên, không ít thông điệp khô khan, thiếu “lửa”.

Đọc thông điệp của CEO tập đoàn nước ngoài như Citi Group sẽ cảm nhận thấy sự khác biệt. Thông điệp của Tổng giám đốc này có đoạn: “Năm ngoái, khi tôi viết cho quý vị, tôi vừa đảm nhiệm cương vị CEO, tôi đã đề ra 3 mục tiêu lớn cho Tập đoàn chúng ta. Thứ nhất, tôi muốn Citi tạo ra thu nhập ổn định và có chất lượng. Thứ hai, tôi muốn Citi được biết đến thông qua các quyết định sáng suốt ở tất cả các khía cạnh trong công việc. Thứ ba, tôi đã kết luận rằng tôi sẽ không hài lòng đến khi nào Citi xây dựng lại được sự tín nhiệm với tất cả quý vị cổ đông. Bây giờ, cho phép tôi điểm lại những gì đã làm và đưa ra kế hoạch mà tôi đã xây dựng cho Citi trong năm 2014 và những năm tiếp theo…”.

Thay vì gửi đi một thông điệp sinh động như thế, BCTN của các ngân hàng Việt Nam lại dành nhiều không gian để nói về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, liệt kê một loạt các chỉ tiêu như GDP, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, FDI, xuất nhập khẩu… và lập luận rằng, kết quả đạt được trong năm qua là đáng khích lệ, rằng đó là nỗ lực của HĐQT, Ban điều hành và tập thể cán bộ, nhân viên. Kế hoạch cho năm tiếp theo thường lồng vào những câu mang tính khẩu hiệu, chung chung như “phấn đấu trở thành ngân hàng hàng đầu”, “từng bước vươn ra khu vực và thế giới”…

Cũng cần nói thêm rằng, khi đọc các thông điệp này, người ta khó có thể biết được ai viết và viết cho ai. Người viết không hề xưng ngôi thứ của mình là “tôi” hay “chúng tôi”. Còn người nhận thông điệp thì khi là “quý vị”, lúc khác lại là “cổ đông, khách hàng và đối tác”. Thậm chí, có thông điệp chẳng thưa gửi ai.

Chuyên nghiệp, cần bắt đầu từ chuyện nhỏ

Dù một số ngân hàng đã đưa nhiều hình ảnh cây cối xanh tươi để minh họa trong BCTN 2013, một phần để giảm bớt sự khô khan của số liệu, một phần để minh họa cho việc ngân hàng đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, rằng ngoài mục tiêu lợi nhuận thì ngân hàng còn có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, nếu bản mềm BCTN gửi đến các cổ đông qua email hoặc lưu trên website không có những lưu ý đại loại như “Hãy tiết kiệm giấy” hay “Suy nghĩ kỹ trước khi in” thì những hình ảnh xanh tươi kia có thể sẽ được in ra thành những trang giấy đen thui, tốn giấy mực. Còn bản cứng do ngân hàng in nếu sử dụng giấy không rõ nguồn gốc hoặc in bằng những loại giấy không thân thiện môi trường sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.

BCTN của Sacombank có phần ấn tượng khi mà ngay những trang đầu tiên viết rằng: “BCTN 2013 của Sacombank sử dụng loại giấy in thân thiện môi trường và chỉ in phần báo cáo quản trị doanh nghiệp. Riêng phần báo cáo tài chính cùng thuyết minh sẽ được lưu trong USB đính kèm. Đặc biệt, đón đầu xu thế mới trong hình thức thể hiện và để giảm thiểu việc phát hành bản in nhằm góp phần bảo vệ môi trường, BCTN 2013 của Sacombank còn được thể hiện bằng phiên bản điện tử tương tác tại website của Sacombank”. Kèm theo thông điệp này là biểu tượng “Có thể tái chế”.

Trong BCTN 2013, các ngân hàng “khoe” rất nhiều về những thành tích và hoạt động vì cộng đồng và xã hội, đặc biệt là đóng góp về tài chính. Tuy nhiên, ít ngân hàng đưa ra kế hoạch bài bản, dài hơi cho hoạt động cộng đồng. Dĩ nhiên, các ngân hàng rồi cũng sẽ tiếp tục có những đóng góp cho cộng đồng và xã hội, nhưng điều đó cho thấy dường như chưa có sự gắn kết thực sự giữa mục tiêu hiệu quả kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững.

Cộng đồng và xã hội gần nhất chính là nhân viên của các ngân hàng. Trong 5 ngân hàng, chỉ có 4 ngân hàng công bố mức thu nhập cụ thể của nhân viên trong BCTN. Trong đó, MB có thu nhập bình quân tháng của nhân viên cao nhất với 17,52 triệu đồng, kế đến là VCB 17,27 triệu đồng, STB 15,45 triệu đồng và cuối cùng là SHB 10,65 triệu đồng.

Với việc minh bạch hóa thông tin này, có lẽ nhân viên ngân hàng cũng không bị hổ danh “có tiếng mà không có miếng”, còn những người quản trị và điều hành ngân hàng cũng không đến nỗi phải mang tiếng là không quan tâm đến cộng đồng và xã hội ngay sátbên mình.
Đức Luận

{fcomment}