Hà Nội tái diễn tình trạng “bán nhà trên giấy”

 Nằm “đắp chiếu” suốt gần 3 năm, đến khi tái khởi động và chỉ mới thi công phần móng, Dự án CT4 của Vimeco lại gây tai tiếng trên thị trường khi thực hiện việc bán “nhà trên giấy”.

Hà Nội tái diễn tình trạng “bán nhà trên giấy”

Năm 2011, “bong bóng” bất động sản Hà Nội “xì hơi”, hàng nghìn khách hàng mua “nhà trên giấy” rơi vào tình cảnh khốn đốn khi dự án không tiếp tục được triển khai. Đến nay, việc đòi nhà và tiền mua tại nhiều dự án của khách hàng vẫn hết sức khó khăn. Thậm chí, nhiều khách hàng có nguy cơ mất trắng khi người đại diện pháp luật của chủ đầu tư đã bị bắt hoặc bỏ trốn.

Có thể kể đến các bài học nhãn tiền như Dự án 408 Lĩnh Nam của Vina Megastar, hay Dự án căn hộ B5 Cầu Diễn của Housing Group…, khách hàng đến nay vẫn không thể đòi được nhà, lẫn tiền góp vốn, vì đại diện chủ đầu tư đã bị bắt.

Những tưởng việc thị trường khó khăn và quyền năng thuộc về người mua sẽ khiến tình trạng bán “nhà trên giấy” sẽ hết đất sống, nhưng tại Hà Nội, tình trạng này lại xuất hiện tại Dự án CT4 (quận Cầu Giấy) của CTCP Vimeco. Thậm chí, “nhà trên giấy” tại Dự án CT4 còn xuất hiện tiền chênh cả trăm triệu đồng với mỗi suất mua.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, hiện thị trường xuất hiện hàng loạt nhà đầu tư rao bán căn hộ Dự án CT4 dưới dạng hợp đồng góp vốn, được quyền mua căn hộ, với tiền chênh so với giá gốc từ 300 - 500 triệu đồng/căn. Theo hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư Vimeco sẽ thu 25% giá trị căn hộ, tương đương 700 triệu đồng (giá bán là 24,12 triệu đồng/m2). Đây là số tiền không hề nhỏ, song những điều khoản hợp đồng góp vốn liên quan đến quyền lợi khách hàng còn khá mập mờ.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về việc huy động vốn thực hiện dự án theo dạng hợp đồng góp vốn, ông Nguyễn Văn Thương, Phó phòng Đầu tư, CTCP Vimeco cho biết, để huy động vốn thực hiện dự án, doanh nghiệp có 2 cách là vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn góp từ khách hàng và Vimeco đã chọn phương án thứ hai.

Theo ông Thương, việc huy động vốn góp từ khách hàng của Vimeco là đúng quy định pháp luật, vì doanh nghiệp chỉ huy động 20% tổng vốn dự án (tương đương 80 căn hộ) theo quy định của Nghị định 71. Việc chuyển đổi sang hợp đồng mua bán dự kiến sẽ tiến hành sau 9 tháng, khi dự án đủ điều kiện mua bán theo quy định của pháp luật.

Trả lời về khả năng rủi ro của khách hàng khi góp vốn mua căn hộ dự án đã “đắp chiếu” gần 3 năm, ông Thương cho biết, rủi ro lớn hay nhỏ là do khách hàng tự đánh giá. Ngoài ra, ông Thương cũng phủ nhận sự liên quan đến hoạt động mua bán căn hộ CT4 trên thị trường với tiền chênh cả trăm triệu đồng.

“Khi ký hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng với người đứng tên hợp đồng”, ông Thương khẳng định và cho biết thêm, trong hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư đã “cấm” việc chuyển nhượng, vì thế, nếu có rủi ro và tranh chấp, khách hàng phải gánh chịu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Dự án CT4 mới chỉ được Sở Xây dựng đồng ý cho triển khai phần hầm dự án. Trong khi đó, giấy phép xây dựng phần thân công trình còn chưa được cấp phép, nên việc dự án có được triển khai đúng tiến độ hay không vẫn là một dấu hỏi.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều cho rằng, việc bán “nhà trên giấy” hiện nay là quá rủi ro. Thậm chí, có người còn không tin thị trường bất động sản thời điểm này vẫn còn khách hàng mua “nhà trên giấy”.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Vimeco, kết thúc ngày 31/12/2014, doanh nghiệp này có tổng tài sản đạt 1.049 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả, chủ yếu nợ ngắn hạn, lên đến 812 tỷ đồng.

Những mập mờ trong việc Vimeco phải bán “nhà trên giấy” sẽ tiếp tục được Đầu tư Bất động sản tìm hiểu và phản ánh tại các số báo sau.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Theo Nguyên Minh
Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn Tin nhanh chứng khoán