Joe Kaeser: “Đổi mới nhưng không đánh mất cốt lõi”

 Áp lực cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu khiến cho vị thủ lĩnh của đế chế kỹ thuật năng lượng và điện tử lớn nhất châu Âu Siemens AG, Joe Kaeser không ngừng đắn đo lựa chọn về con đường đi sắp tới, khi trước mắt ông là hàng loạt đối thủ tầm cỡ đến từ nhiều khu vực phát triển mạnh trên thế giới.

Joe Kaeser: “Đổi mới nhưng không đánh mất cốt lõi”

Ngồi vào vị trí cao nhất Siemens cách đây 1 năm, song Joe Kaeser quan sát và thấy rõ xu hướng đổi mới nhanh chóng của những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, coi đó là thách thức lớn nhất đối với vai trò CEO.

Không chỉ là những cải tiến về mẫu mã và hình thức, điều Joe Kaeser đang nỗ lực phấn đấu đó là nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghiệp từ xe lửa, tuabin khí cho đến máy quét y tế thông qua hệ thống phần mềm và kỹ thuật số có khả năng phát hiện ra lỗi trong máy móc và sửa chữa chúng trước khi chúng gây “họa”.

Công sức Joe Keaser đang bỏ ra cũng chính là mục tiêu hướng đến của nhiều “cỗ máy” năng lượng khổng lồ trên thế giới như General Electric Co., hoặc những kẻ “tay ngang” đầy tham vọng như Google. Trong khi đế chế 167 tuổi Siemens từ lâu được xem là lá cờ đầu của kinh tế Đức cũng như khu vực châu Âu, thì General Electric từng được ví như một “biểu tượng mới của niềm tin kinh doanh, có sức sống mạnh mẽ trường tồn”.

Tuy nhiên, với tham vọng tiến sâu vào thị trường châu Âu, General Electrics vô tình chạm mặt với Siemens và tạo ra cuộc chiến căng thẳng giữa hai bên, đặc biệt là trong những thương vụ mua lại công ty đối thủ. Mới đây nhất, đầu tháng 8/2014, General Electric đánh bại Siemens trong việc trở thành chủ sở hữu Tập đoàn năng lượng Alstom của Pháp với giá 12,4 tỷ USD.

General Electric và Siemens tiếp tục đối đầu nhau trong việc xác định thị trường mục tiêu khi hai gã khổng lồ trong thế giới năng lượng toàn cầu đang chĩa mũi tên vào khu vực đầy tiềm năng Houston - thành phố lớn thứ tư của Mỹ.

Trong khi General Electric tuyên bố sẽ tập trung phát triển hoạt động ở phía Tây Houston để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh của Tập đoàn như GE Power & Water và GE Oil & Gas, thì đại diện cho Siemens, Joe Keaser đưa ra đề nghị mua lại Công ty thiết bị mỏ dầu Dresser-Rand Group Inc., có trụ sở chính tại đây.

“Dầu mỏ và khí gas là hai ngành phát triển mạnh ở Bắc Mỹ và đang thuộc quyền kiểm soát của General Electric. Rất có thể Siemens nhăm nhe vị trí đó của General Electric và sẵn sàng bỏ ra số tiền tương ứng để đạt được mục tiêu”, Chris Ross, giáo sư tài chính của Trường Đại học Houston nói.

Trước đó, tháng 5/2014, nhằm nâng cao cỗ máy kinh doanh của Siemens, Joe Keaser đồng ý mua lại hầu hết số tài sản năng lượng thuộc sở hữu của Tập đoàn Rolls-Royce Holdings Plc với giá 1,3 tỷ USD.

Theo dự đoán của giới chuyên gia phân tích, một loạt công ty đầu ngành trong mảng dầu khí như Chart Industries Inc., Dril-Quip Inc., Weatherford International Ltd và Tesco Corp. cũng đang lọt vào tầm ngắm của Joe Keaser với nhiều kế hoạch thâu tóm.

Không chỉ đối đầu trực tiếp với General Electric, Siemens có dịp đụng độ ý tưởng với Google khi cỗ máy tìm kiếm toàn cầu này đang manh nha tạo ra những dụng cụ tiện ích với mục đích truyền tải mạng lưới điện tới những hộ gia đình và cơ sở kinh doanh một cách hiệu quả hơn. Đây cũng chính là điểm mấu chốt trong kế hoạch mở rộng kinh doanh lưới điện thông minh mà Joe Keaser ấp ủ từ lâu.

Lĩnh vực độc quyền duy nhất còn sót lại của Siemens là ngành nghề chăm sóc sức khỏe nhờ vào hàng loạt thương vụ sáp nhập có giá trị lớn dưới thời điều hành của cựu CEO Peter Loescher. Mặc dù đây được xem là lĩnh vực xa lạ đối với mô hình Tập đoàn, không có mối liên quan nào đến các ngành tự động hóa và điện khí hóa dịch vụ, song lại là ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận cao nhất cho Siemens.

Đi lên từ vị trí Giám đốc tài chính Siemens, Joe Keaser hiểu rõ hơn ai hết những lỗ hổng và khó khăn về tài chính mà tập đoàn này đang phải gồng mình bù đắp kể từ vụ bê bối tham nhũng của cựu CEO Leoscher năm 2006.

Với thâm niên hoạt động gần 20 năm ở Siemens, bài học thất bại lớn nhất mà Joe Keaser rút ra từ những bậc tiền bối đi trước, đó là quyết định không đầu tư vào Cisco cách đây 25 năm. Trong khi đế chế Cisco ngày càng thăng hoa và che khuất những kỹ thuật điện thoại truyền thống, thì Siemens buộc phải rút khỏi ngành nghề kinh doanh vô tuyến, vốn là lĩnh vực hoạt động đầu tiên của Tập đoàn vào năm 1847.

Mặc dù bận rộn với nhiều kế hoạch tấn công vào “thung lũng Silicon” và ganh đua với Google, nhưng Joe Keaser luôn tâm niệm, không bao giờ đánh mất giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Siemens ngày hôm nay.

Hồng Tuyết(Theo báo chí nước ngoài)

{fcomment}