M&A ngân hàng: Không còn thời gian để “câu giờ”

Trả giá thấp, nợ xấu cao, thiếu đồng thuận, lợi ích nhóm… hoặc đơn giản chỉ là thủ tục nhiêu khê đang khiến quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng chậm lại. Tuy nhiên, thời gian để ngân hàng “câu giờ” không còn nhiều.

M&A ngân hàng: Không còn thời gian để “câu giờ”

Rầm rộ tuyên bố rồi... im lặng

Đầu năm nay, sóng M&A ngân hàng bắt đầu nổi khi hàng loạt ngân hàng rầm rộ công bố kế hoạch M&A. Tiêu biểu là SouthernBank lên kế hoạch sáp nhập Sacombank, Maritime Bank sáp nhập MDB, Techcombank mua lại Tài chính hóa chất, SHB mua Tài chính Vinaconex - Viettel, PGBank hé lộ ý định sáp nhập vào VietinBank và đang trong quá trình đàm phán để bán 100% vốn cho nước ngoài…

Dù vậy, cho đến thời điểm này, các thương vụ trên vẫn đang nằm trên giấy. Từ đầu năm đến nay, ngoài một vài thương vụ sáp nhập công ty tài chính, chưa diễn ra thương vụ M&A nào giữa các ngân hàng.

Đại diện Maritime Bank cho hay, ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt về mặt nguyên tắc, Ngân hàng sẽ triển khai các bước cụ thể và dự kiến quá trình sáp nhập sẽ được tiến hành trong 4-6 tháng. Dù vậy, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, việc sáp nhập Maritime Bank và MDB sớm nhất cũng phải tới đầu năm 2015 mới trở thành hiện thực, bởi đề án sáp nhập của hai ngân hàng này vẫn chưa được hoàn thiện.

Tương tự, thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank vẫn dang dở. Nhiều chuyên gia cho rằng, sức khỏe quá yếu và kết quả kinh doanh bết bát của SouthernBank là rào cản khiến thương vụ này bị chậm lại.

Một thương vụ “siêu chậm” nữa là trường hợp GPBank bán 100% vốn cho Ngân hàng UOB (Singapore). Mặc dù thông tin về thương vụ này đã được Báo Đầu tư đưa tin từ giữa năm ngoái, song hơn một năm trôi qua, thương vụ vẫn chưa có hồi kết. Trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc GPBank khẳng định, ngoài UOB - đối tác đã làm việc và tìm hiểu sâu về GPBank - có rất nhiều đối tác từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Thái Lan đã đặt vấn đề với GPBank về hợp tác tái cơ cấu.

Ông Hùng cho biết, GPBank quyết tâm hoàn thành thương vụ này trong năm nay, với hy vọng trở thành ngân hàng đầu tiên được thí điểm bán 100% vốn cho nước ngoài. Tuy nhiên, với tình trạng “ép giá” của đối tác Singapore và sự bất đồng trong định giá tài sản như hiện nay, chưa chắc thương vụ có thể “chốt” kịp trong năm 2014.

Không còn thời gian để “câu giờ”

Theo một lãnh đạo cấp cao của NHNN, để hoàn tất một giao dịch sáp nhập, hợp nhất, các bên liên quan phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và nhiều thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật. Cuối năm nay, một số thương vụ M&A ngân hàng đã được NHNN chấp thuận về mặt chủ trương sẽ hoàn tất.

“Các ngân hàng đã rất nỗ lực để ‘đóng’ thương vụ một cách thành công nhất, nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính Ngân hàng E&Y Việt Nam nhận định và cho biết, các yếu tố đó là sự đồng thuận giữa các cổ đông, xác định giá trị thực của ngân hàng mục tiêu, xác định rõ mục đích hậu M&A…

Ngoài ra, một lý do nữa khiến quá trình M&A ngân hàng bị chậm, theo nhiều chuyên gia, chính là sự chống đối của một số cổ đông lớn, do lo sợ lợi ích nhóm không còn.

Tuy nhiên, thời gian để các ngân hàng “câu giờ” không còn nhiều nữa. Hiện Đề án Tái cơ cấu ngân hàng đang bước vào giai đoạn II. Các yêu cầu về quản trị, vốn, tiêu chuẩn an toàn… sẽ được nâng lên một bước. Các ngân hàng không đáp ứng được các quy định trên sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi.

Thêm vào đó, theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành, từ ngày 1/2/2015, các ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác, đồng thời tỷ lệ nắm giữ ở mỗi tổ chức tín dụng không quá 5%. Những ngân hàng sở hữu quá tỷ lệ trên chỉ có 12 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực để giảm tỷ lệ sở hữu về mức cho phép.

Như vậy, dù muốn hay không, trong vòng 14 tháng tới, hàng loạt ngân hàng như VCB, VietinBank, ABBank, Maritime Bank, Techcombank sẽ phải khẩn trương thoái vốn hoặc M&A. Và sóng M&A ngân hàng sẽ lại nổi trong giai đoạn 2015-2017. Theo mục tiêu của NHNN, cuối năm 2017, cả nước chỉ còn 15 ngân hàng, thay vì hơn 30 ngân hàng như hiện nay.

Theo Thùy Liên
Baodautu.vn

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}