Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp: Việc phải làm ngay

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế Danameco gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, song phải tự xoay xở

Khẩn trương hỗ trợ

Trong chỉ thị mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt khó bởi dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng giao NHNN hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần: Trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020; Xem xét gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, có 2 gói hỗ trợ: Gói tín dụng khoảng 285.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tự cứu mình trước khi được hỗ trợ. Ảnh: PV

Gói 285.000 tỷ đồng là tổng các gói mà khoảng 10 tổ chức tín dụng đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp, ưu đãi từ 0,5 đến 1,5%/năm so với tín dụng thông thường. Tổng số các gói tín dụng này có thể sẽ nhiều hơn khi nhiều ngân hàng tham gia hơn. Nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp; tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Đối với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng, theo TS Cấn Văn Lực, đây là tổng số tiền dự tính đối với các khoản miễn, giảm chi tiêu do dịch. Hỗ trợ này cũng rất quan trọng, vì nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đang mong đợi.

Hỗ trợ trúng đối tượng

Ngày 11/3, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã ký công văn lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Thời gian gia hạn là 5 tháng, gồm các khoản tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất phát sinh phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6/2020 với trường hợp kê khai theo tháng hoặc của quý I và quý II/2020 với trường hợp nộp theo quý. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn đợt này là 30.100 tỷ đồng.

Để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục thuế hướng dẫn DN, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ gửi thủ trưởng cơ quan Thuế quản lý trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế (nếu có nhu cầu).

Theo Tổng cục Thuế, người nộp thuế cần có biên bản kiểm kê, đánh giá thiệt hại vật chất; xác nhận thiệt hại của một trong các cơ quan, tổ chức như công an, UBND xã hoặc phường, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế…nơi xảy ra thiệt hại; Hồ sơ bồi thường thiệt hại được các cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, những gói hỗ trợ này rất tốt cho DN vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, NHNN cần có động thái hạ lãi suất với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu... ở mức độ mạnh để sớm tác động lên mặt bằng lãi suất.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan cần có giải pháp xác định đối tượng và tiêu chí cụ thể để nguồn hỗ trợ của Chính phủ đến được đúng đối tượng thụ hưởng và thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội lưu ý, cần có cơ chế để dòng tiền đến được với DN thực sự gặp khó khăn do dịch bệnh. Theo ông Quốc Anh, có những DN gặp khó khăn từ những năm trước và có thể sẽ “mượn cớ” để được hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ này, trong khi đó những DN thật sự gặp khó khăn do dịch thì có thể lại không tiếp cận được.

Được hỗ trợ một đồng cũng quý

Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và tiền thuê đất tối đa 5 tháng, trong đó có nhóm ngành kinh doanh vận tải (gồm vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không).

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, DN rất ủng hộ đề xuất này và mong sớm được thực hiện. Tuy nhiên, ông Tuấn kỳ vọng sẽ được miễn, giảm thuế, như vậy DN sẽ giảm được chi phí trong bối cảnh doanh thu sụt giảm mạnh. Việc lùi thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ có ý nghĩa về dòng tiền vào lúc này, còn thực tế cuối năm, DN vẫn phải nộp số tiền đó. Theo ông Tuấn, công ty đang phải nộp thuế VAT mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng, tiền thuê đất nộp khoảng 40 tỷ đồng.

Với đường sắt, ông Tuấn đề xuất Chính phủ có chính sách giảm tiền thuê hạ tầng, với mức phí mỗi năm là 8%/tổng doanh thu, năm 2019, công ty nộp khoảng 50 tỷ đồng. Lãnh đạo Cty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đề xuất NHNN thống nhất với các ngân hàng thương mại giảm lãi, khoanh nợ các khoản vay đầu tư. Khi mức lãi các khoản vay của DN này từ 9,3 đến 9,5%/năm, tổng tiền gốc và lãi phải trả khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải Hoàng Hà (kinh doanh xe khách, taxi, xe buýt…) cho rằng, trong bối cảnh này mọi hỗ trợ đều quý, dù chỉ 1 đồng. Khi khách giảm tới 70-80%, DN đã cắt giảm 2/3 số chuyến xe, thu vẫn không đủ trang trải chi phí. Toàn bộ tiền phải gom góp để trả lương cho người lao động, dù một số đang nghỉ luân phiên vẫn phải trả lương đủ sống để giữ chân người lao động. Theo ông Hà, hiện ngân hàng cũng nói sẽ có chính sách hỗ trợ, như giảm lãi suất, gia hạn nợ, giảm số tiền gốc phải trả hàng tháng… nhưng vẫn chưa có hướng dẫn.

3 tháng doanh thu của DN bằng 0
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên, doanh nghiệp chuyên về vận tải hành khách, lữ hành cho hay, đến nay DN vẫn chưa tiếp nhận được thông tin, hướng dẫn gì về các thủ tục miễn, giảm thuế, chỉ có văn bản chung chung từ Tổng cục Thuế. Theo ông Tùng, các DN tư nhân như Thiên Thảo Nguyên có tới vài trăm nhân sự, sau 3 tháng bị dịch hoành hành vẫn đang vật vã tự bơi. “Dù rất khó khăn, lao động của công ty phải chấp nhận chỉ hưởng 70% lương, song họ vẫn không muốn nghỉ việc. Trong khi 3 tháng nay doanh thu của công ty bằng 0. Tháng tới với tình hình thế này, công ty sẽ phải giảm tiếp lương nhân viên", ông Tùng chia sẻ.


Nguồn: Báo Tiền Phong