Ngân hàng Chính sách phấn đấu 100% người nghèo tại ĐBSCL được tiếp cận vốn ưu đãi

Sáng nay, ngày 20/12015, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư” tại TP. Cần Thơ.

Ngân hàng Chính sách phấn đấu 100% người nghèo tại ĐBSCL được tiếp cận vốn ưu đãi

Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại của hệ thống ngân hàng, Chính phủ và ngành ngân hàng, đặc biệt là Thống đốc với vai trò là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội đã điều hành, chỉ đạo sâu sát xây dựng và triển khai các chương trình, dự án tín dụng cho người nghèo để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cụ thể:

Trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ và đảm bảo sự ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn quốc cũng như vùng ĐBSCL. Theo đó, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo lần lượt bằng khoảng 65% và 78% lãi suất tối đa cho vay trung, dài hạn hiện nay của các NHTM...

Ngày 26/4/2014, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký quyết định về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kể từ ngày 1/5/2014, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo tăng từ 30 triệu đồng/hộ, lên 50 triệu đồng/hộ, do vậy, mức cho vay đối với hộ cận nghèo cũng được điều chỉnh tăng tương ứng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ…

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến 31/12/2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL ước đạt 343.463 tỷ đồng, tăng 12,39% so với 31/12/2013, chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống tổ chức tín dụng, trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%.

Riêng đối với đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đến 31/12/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 165.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng khoảng 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc…

Theo đó, trong những năm qua, tại vùng ĐBSCL, đã có trên 5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp cho trên 700 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 500 nghìn lao động, với hơn 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 400 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…

Mặc dù kết quả đạt được là rất khả quan, nhưng đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Võ Minh Hiệp, Phó tổng giám đốc cho biết, mục tiêu đặt ra trong năm 2015 và các năm tiếp theo là 100% người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm tại vùng ĐBSCL khoảng 9%, bao gồm nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung hàng năm). Và nguồn vốn địa phương mỗi năm tăng ít nhất 10% để toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tỷ lệ nợ quá hạn năm 2015 phấn đấu giữ bằng mức nợ quá hạn bình quân chung của vùng ĐBSCL thời điểm 31/12/2014 là 0,7% và phấn đấu các năm tiếp theo bằng bình quân chung toàn quốc. Tỷ lệ nợ khoanh, phấn đấu 100% các khoản nợ khoanh đến hạn trong từng năm đều được thu hồi hoặc xử lý theo chính sách quy định để tỷ lệ nợ khoanh được giảm bình quân mỗi năm 0,3%; bình quân một năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng…

Nguồn Tin nhanh chứng khoán