Ngân hàng muốn ôm nợ xấu?

Các ngân hàng đang rầm rộ thâu tóm công ty tài chính, chuẩn bị vũ khí để tấn công thị trường cho vay tiêu dùng. Thế nhưng, đa phần công ty tài chính hiện làm ăn kém hiệu quả. Do đó, việc ôm công ty tài chính chưa hẳn đã mang lại lợi lộc cho ngân hàng.

Ngân hàng muốn ôm nợ xấu?

Sẽ thêm nhiều cuộc hôn nhân ngân hàng - công ty tài chính

Tuần qua, Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) thông báo đã chuyển nhượng gần 90% cổ phiếu của VCFC cho Techcombank, nâng tỷ lệ vốn Techcombank sở hữu tại VCFC lên 99,87%. Việc chuyển nhượng đã diễn ra ngay đầu quý I/2015, dựa trên văn bản chấp thuận đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra từ tháng 12/2014.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, sau thương vụ khởi động này, thị trường ngân hàng năm 2015 sẽ còn chứng kiến hàng loạt cuộc hôn nhân giữa công ty tài chính với ngân hàng.

Trong đó, hai thương vụ sáp nhập SHB - Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) và Maritime Bank - Công ty Tài chính cổ phần Dệt may (TFC) đã được NHNN chấp thuận.

Cổ đông của VVF và TFC cũng đã thông qua việc chuyển nhượng cổ phiếu để sáp nhập vào ngân hàng. Tuy nhiên, hiện Maritime Bank và SHB vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để lấy ý kiến cổ đông vào việc sáp nhập.

Cho đến nay, NHNN cũng chưa có văn bản chấp thuận về mặt nguyên tắc việc sáp nhập hai thương vụ này, song khả năng cả hai thương vụ sẽ diễn ra trong năm 2015.

Không chỉ có thế, theo dự báo của các chuyên gia, năm 2015 sẽ diễn ra hàng loạt thương vụ sáp nhập giữa công ty tài chính với ngân hàng.

Thứ nhất, năm 2015, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Thứ hai, theo dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng thương mại muốn cho vay tiêu dùng, thì phải thành lập công ty tài chính.

Thứ ba, theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng chỉ được sở hữu cổ phần không quá 2% tại các tổ chức tín dụng khác và mức sở hữu không quá 5%.

Hiện trên thị trường, nhiều ngân hàng đang góp vốn vào các công ty tài chính với mức sở hữu vượt 5%. Đơn cử, ABBank sở hữu 8,4% vốn tại Tài chính Điện lực, MB sở hữu 11% tại Tài chính Sông Đà, Vietcombank sở hữu 10,82% tại Tài chính Xi măng… Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu thời gian tới, các ngân hàng trên thâu tóm các công ty tài chính mà mình sở hữu.

Thực tế, thời gian qua, rất nhiều thương vụ sáp nhập có chung sở hữu. Ví dụ, Techcombank sở hữu 10% vốn của Tài chính Hóa chất, Maritime Bank sở hữu 11% vốn của Tài chính Dệt may.

Ôm cả nợ xấu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cho vay tiêu dùng là lĩnh vực còn rất tiềm năng với hệ thống ngân hàng nước ta.

“Tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng mới chiếm 6% tổng dư nợ, trong khi con số này ở các nước là 15-20%, riêng tại Mỹ là 35-40%. Hiện các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước áp lực thoái vốn khỏi công ty tài chính. Đây là cơ hội tốt để ngân hàng tiếp nhận lại và đẩy mạnh tài chính tiêu dùng”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Việc mua lại công ty tài chính sẽ giúp ngân hàng tận dụng được đội ngũ nhân lực và mạng lưới để triển khai cho vay tiêu dùng. Hơn nữa, tách mảng cho vay tiêu dùng sang công ty tài chính giúp ngân hàng không bỏ sót một lượng khách hàng nhỏ lẻ, đồng thời, tách được mảng cho vay đầy rủi ro này ra khỏi hoạt động nội bảng.

Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi, việc “ôm” công ty tài chính cũng đưa đến nhiều rủi ro cho ngân hàng, bởi đa phần các công ty tài chính hiện đều yếu kém.

Theo số liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, làm ăn kém nhất hiện nay phải kể đến Tài chính Tàu thủy, Tài chính Cao su, Tài chính Bưu điện… Các công ty tài chính còn lại cũng có tỷ lệ nợ xấu khá cao. Tỷ lệ nợ xấu của Công ty Tài chính Xi măng tính đến quý II/2014 là 9,65%. Các công ty tài chính vừa được sáp nhập hoặc sắp sáp nhập như TFC, VVF cũng có kết quả tăng trưởng lợi nhuận không đáng kể, thậm chí còn giảm.

Cụ thể, tại Công ty Tài chính VVF, tổng tài sản tính đến hết ngày 31/12/2013 là 2.551 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2012, tỷ lệ an toàn vốn chỉ đạt 54,61%. Lợi nhuận chỉ đạt 51,818 tỷ đồng, hoàn thành 32,7% kế hoạch đặt ra ban đầu là 158,61 tỷ đồng. Năm 2014, Công ty này chưa công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, khó có khả năng VVF đã xử lý được các “u nhọt” của mình. Như vậy, với việc sáp nhập VVF, SHB hẳn sẽ phải “ôm” cả một khoản nợ xấu, thua lỗ không nhỏ.

Theo Tin nhanh chứng khoán