Nghẹn lòng trước gia cảnh éo le của đội trưởng cứu nạn hy sinh vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội

'Quân lên 4 tuổi đã mất bố, giờ hai con trai của nó cũng mồ côi cha, đau đớn quá', mẹ của Trung tá Đặng Anh Quân – Đội trưởng đội PCCC và Cứu hộ cứu nạn (Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khóc nghẹn.

13h chiều 1/8, vụ hỏa hoạn tại quán Karaoke trên phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bùng phát bất ngờ. Lực lượng cảnh sát PCCC Công an quận Cầu Giấy đã nỗ lực dập lửa. Nhưng trong thực hiện nhiệm vụ, 3 cán bộ, chiến sỹ của lực lượng đã hy sinh, gồm Trung tá Đặng Anh Quân – Đội trưởng đội PCCC và Cứu hộ cứu nạn (Công an quận Cầu Giấy) và 2 chiến sĩ Đỗ Đức Việt, Nguyễn Đình Phúc.

Từ chiều tối qua đến sáng nay (2/8), con phố nhỏ dẫn vào nhà Trung tá Đặng Anh Quân ở phố Chùa Láng, phường Láng Thượng bao trùm không khí u buồn. Bà con lối phố khi hay tin đã đến chia buồn với gia đình người chỉ huy dũng cảm, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Những người thân đến nhà lo hậu sự cho Trung tá Đặng Anh Quân.

Ngồi trong một góc sân nhỏ, bà Trần Thị Thủy (68 tuổi, mẹ của anh Quân) với đôi mắt đỏ hoe vì khóc quá nhiều. Bà kể, anh Quân là con trai cả, dưới có một em gái. Từ lúc anh Quân lên 4 tuổi, em gái được 2 tuổi, bố anh Quân đã mất sớm nên trọng trách nuôi nấng hai con nhỏ dồn cả lên vai người mẹ. "Nó vốn đã là đứa bé mồ côi cha từ nhỏ, bây giờ hai con trai của nó lại cũng mồ côi cha, đau đớn quá", bà Thủy vừa lấy tay quệt nước mắt vừa nói.

Chưa quên được giây phút định mệnh, bà Thủy bảo rằng, thường ngày bà vẫn hay để ý đến tin tức các vụ cháy vì liên quan đến nghề của con trai mình. Chiều 1/8, như thường lệ bà nghe người nhà nói đang có cháy ở khu Quan Hoa.

Trong đầu, bà Thủy lúc này đã nghĩ kiểu gì con trai bà cũng đi làm nhiệm vụ chữa cháy vì đúng địa bàn quản lý nhưng không hiểu sao hôm nay bà cứ thấy sốt ruột.

Bà Trần Thị Thủy đau đớn trước sự ra đi của con trai...

"Thấy trong lòng không yên, tôi đang định gọi điện cho con trai thì người nhà nói rằng đọc được tin có 3 chiến sĩ Cảnh sát hy sinh khi chữa cháy ở quán karaoke nhưng lúc này chưa có danh tính nên chưa biết ai với ai", bà Thủy kể.

Linh cảm của người mẹ đã thôi thúc bà rút điện thoại ra gọi vào số điện thoại thường ngày bà vẫn nói chuyện với con trai nhưng chỉ nhận được những tiếng hiệu thông báo không thể liên lạc được. Giây phút ấy, bà Thủy như chết lặng, bản năng người làm mẹ biết là con trai gặp chuyện, bà vội đi tới đơn vị nơi con trai làm việc thì hay tin con vừa hy sinh khi đi chữa cháy, cứu người.

"Khi vào gặp con tại phòng lạnh, tôi xoa mặt thấy một bên bị xước xát nhiều, một bên bị bầm tím, trên đầu hình như cũng bị thương. Bên cạnh con còn có hai em đồng đội cùng hy sinh. Nhìn con nằm đó mà chẳng biết làm gì, tôi chỉ biết ôm con mà khóc", bà Thủy nhớ lại.

Nhiều người bạn, người đồng đội của Trung tá Quân đến chia buồn, phụ giúp gia đình.

Trong tâm trí của người mẹ, Đặng Anh Quân là một người con hiếu thảo, bố mất sớm, thấu hiểu được sự vất vả của mẹ, anh luôn quan tâm chăm sóc cho mẹ và em gái. Hằng ngày, dù bận công việc nhưng cứ hôm nào rảnh, sáng sớm anh lại đẩy xe hàng nhỏ cho mẹ ra ngõ để bán trà đá rồi mới đi làm.

Trong căn buồng nhỏ, chị Hiền (vợ anh Quân) với khuôn mặt thất thần, dựa vào vai nữ cán bộ chiến sỹ công an quận Đống Đa. Giờ đây, chị không còn nước mắt để khóc chồng…

Cho đến tận lúc chúng tôi rời đi, dù đêm đã muộn nhưng rất nhiều người bạn, người đồng đội của Trung tá Quân vẫn tới để chia buồn, phụ giúp gia đình. Văng vẳng bên tai của mỗi người ngồi tại đây là câu chuyện về Trung tá Quân, hành động dũng cảm khi anh cùng đồng đội lao vào đám cháy giải cứu người dân rồi bất ngờ gặp nạn.

Chỉ buồn là lần này người chị mất đi người em, người cha mất đi đứa con, còn bữa cơm của những người đồng đội đã dư ra chiếc bát...

Nỗi đau của những chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy khi biết đồng đội không qua khỏi.

Từng là chiến sĩ nghĩa vụ phòng cháy chữa cháy, lại có thời gian làm việc với Trung tá Đặng Anh Quân, chiều 1/8, sau khi nhận tin từ bạn bè, anh Lê Bách (Hà Nội) đã bật khóc vì không thể tin người anh, người đồng đội cũ đã ra đi.

Mặc dù đã ra quân được vài năm, nhưng anh Bách vẫn chưa thể quên những kỷ niệm với người đội trưởng. Nếu như trong công việc, Trung tá Quân rất nghiêm khắc, không cho phép sai lầm xảy ra thì ngoài đời thường, anh lại sống rất tình cảm và quan tâm đến mọi người.

"Tôi nhớ mãi vụ cháy xưởng cồn ở huyện Hoài Đức. Sau khi dập xong, tôi bị bỏng hóa chất ở chân. Biết tin, anh Quân ngày nào cũng gọi điện hỏi: Em có ổn không? Còn đau nhiều không?", anh Bách kể lại.

Theo lời kể, trước khi hy sinh, anh Quân cùng tổ trinh sát đã tổ chức chữa cháy, hướng dẫn 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn.

Khi các anh tới tầng 4 tìm kiếm thêm những nạn nhân khác thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống cầu thang bộ và dẫn đến hy sinh...

Nguồn: suckhoedoisong.vn