Nhập viện sau 6 tháng hút bóng cười

Bệnh nhân T.T.M. (20 tuổi, trú tại An Dương, Hải Phòng) phải nhanh chóng tới khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) sau 6 tháng sử dụng bóng cười.

Tại đây, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Mạnh, chuyên khoa Thần kinh, chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm máu cơ bản, định lượng vitamin B12 và điện cơ. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh sau sử dụng bóng cười.

Sau quá trình điều trị, hiện các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện, đỡ tê bì hai chân và có thể đi lại.

Bệnh nhân dần ổn định sau khi được điều trị kịp thời. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Mạnh, đây là một trong nhiều trường hợp phải điều trị tại khoa Thần kinh do hút bóng cười thời gian gần đây. Người bệnh nhập viện chủ yếu là giới trẻ, độ tuổi 20.

Vị chuyên gia này cho biết khí cười thường được sử dụng trong y học như thuốc gây mê, an thần, giảm đau. Tuy nhiên, liều lượng và cách thức sử dụng phải theo chỉ định.

"Người sử dụng bóng cười ban đầu sẽ cảm thấy hưng phấn, thích thú gây tiếng cười sảng khoái nhưng sau đó nhanh chóng bị ức chế thần kinh. Điều đáng sợ là bóng cười cũng có thể gây ảo giác tương tự ma túy tổng hợp và nghiện. Nếu sử dụng thường xuyên, khí cười có thể gây ra những rối loạn như tổn thương thần kinh ngoại biên, cảm giác châm chích ở đầu các chi, đi lại loạng choạng, rối loạn trí nhớ, giấc ngủ, nhịp tim, hạ huyết áp, suy tủy, giảm khả năng sinh sản...", bác sĩ Mạnh nói.

Thậm chí, một số trường hợp sử dụng bóng cười quá liều có thể bị ngạt thở, tê liệt tay chân, trầm cảm, nguy cơ tử vong cao.

Do đó, tiến sĩ Nguyễn Duy Mạnh khuyến cáo người dân, đặc biệt giới trẻ, không nên sử dụng bóng cười vì những tác hại của nó. Gia đình cũng cần quản lý, giáo dục con sát sao hơn, tránh xa các chất gây nghiện. Bản thân những người trong lứa tuổi vị thành niên cũng nên tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về tác hại của bóng cười, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa, không để bị lôi kéo.

Nguồn Zing