Hiện trạng ngành cung ứng sản phẩm thiết yếu tại TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh ước tính đến nay đã có khoảng 40,000 điểm cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Những điểm bán này đang là nguồn cung cấp mặt hàng nhu yếu phẩm và đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày của 9 triệu dân cư đang sinh sống trên địa bàn thành phố.
Để giữ cho hoạt động được diễn ra bình thường và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng làm xáo trộn đời sống người dân, hàng nghìn nhân viên bán hàng của các công ty đang hoạt động hết công suất nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cấp. Nhu cầu ngày càng cấp thiết hơn khi Thành phố đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Chính phủ từ ngày 31/05 đến nay.
Tuy nhiên, với đặc thù của ngành hàng tiêu dùng nhanh, một nhân viên bán hàng phải bán và giao hàng từ 25 đến 30 điểm bán mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên phải tiếp xúc ít nhất 25 người khác nhau trong một ngày, làm tăng nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh và gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 - vốn là vấn đề cần được giải quyết triệt để.
Chị Nguyễn Thị Trúc Ly thuộc công ty Unilever - nhân viên bán hàng phụ trách khu vực Quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) thường xuyên di chuyển đến các điểm bán hàng mỗi ngày
Nguy cơ tiềm ẩn cao khi tình hình dịch bệnh trở phức tạp hơn bao giờ hết
Hiện nay các cửa hiệu bán lẻ và chợ truyền thống chiếm đến gần 75% thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam dẫn đến việc hàng triệu nhân viên bán hàng, phân phối hàng hóa thiết yếu đang còn phải sống trong nỗi lo lắng về dịch bệnh khi COVID-19 không chừa bất cứ ai. Cả người thân, gia đình của họ cũng đang bị đe dọa bởi nguy cơ dịch bệnh, nếu không có những biện pháp kiểm phòng ngừa kịp thời, rất có thể một mầm bệnh lây lan cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của thành phố.
Đơn vị như việc một cửa hàng thực phẩm tại Quận 1 đang phải đóng cửa khi có thông tin một ca nghi nhiễm xuất hiện tại cửa hàng. Các hoạt động mua bán tại cửa hàng ngừng lại ngay lập tức, toàn bộ nhân viên đang có mặt tại cửa hàng phải cách ly tại chỗ và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Họ không chỉ đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao, mà còn lo lắng sẽ trở thành nguồn lây bệnh trực tiếp cho người thân và gia đình khi không may nhiễm bệnh. Chưa kể đến, việc đóng cửa cửa hàng gây sự trì trệ trong chuỗi cung ứng, gây thiếu hụt về nguồn cung cấp hàng hoá tại chính khu vực này.
Anh Tuấn Anh - nhân viên bán hàng của Công ty thực phẩm PepsiCo cho biết: “Khi thành phố thực hiện cách ly xã hội, mọi người được khuyến cáo ở nhà để phòng tránh dịch, nhưng với những người làm trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm thiết yếu, công việc vẫn diễn ra như những ngày bình thường. Thời điểm dịch tại thành phố tăng cao, nhiều khi tôi cũng suy nghĩ, lo lắng về sự an toàn cho bản thân và cho gia đình. Trong khi chưa được tiêm vắc xin, vì thế cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là mang khẩu trang thường xuyên và luôn có sẵn lọ sát khuẩn để rửa tay mỗi khi kết thúc công việc ở một điểm bán hàng. Tôi rất mong muốn được sớm tiêm phòng vắc xin”.
Cần sớm tiêm ngừa cho các nhân viên thuộc ngành hàng thiết yếu để không chỉ đảm bảo an toàn cho họ mà còn đảo bảo cho chuỗi cung ứng sản phẩm vẫn hoạt động bình thường
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn địa bàn, với các đối tượng ưu tiên là những người đang làm việc tuyến đầu, người làm việc tại các khu công nghiệp và một số lĩnh vực thiết yếu khác như hàng không, ngân hàng hay siêu thị,...
Việc xem xét ưu tiên tiêm chủng cho nhóm đối tượng cung cấp dịch vụ thiết yếu không chỉ giúp hỗ trợ nguồn cung ứng phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân trong giai đoạn áp dụng thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, mà việc này còn phù hợp với hướng dẫn và tinh thần của Quyết định 1467/ QĐ-BYT ngày 05 tháng 03 năm 2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt về ưu tiên tiêm chủng cho các nhóm đối tượng cung cấp sản phẩm và dịch vụ thiết yếu theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 .
Nguồn SKĐS