Sau quyết định không tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong phiên họp thường kỳ cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường tiền tệ Việt Nam đã có thể “thở phào”, đặc biệt đối với thị trường ngoại hối khi được đánh giá vẫn chịu áp lực phá giá. Tuy nhiên, vẫn có một góc nhìn khác.
Fed tăng lãi suất: chỉ là Vấn đề thời điểm
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, do nền kinh tế trong nước hồi phục chưa như kỳ vọng, trong khi kinh tế Trung Quốc và nhiều quốc gia khác còn nhiều bấp bênh, nên Mỹ không muốn thắt chặt tiền tệ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập, là một nền kinh tế lớn, Mỹ không thể chỉ quan tâm đến vấn đề trong nước, mà còn cả những vấn đề quốc tế.
Do vậy, dù thực tế thị trường đã lường đón về khả năng Fed tăng lãi suất nhưng với bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đã có không ít dự báo Fed chưa tăng lãi suất lần này. Quyết định của Fed trong phiên họp thường kỳ vừa qua không phải là điều quá bất ngờ, nhưng nếu nói có thể “thở phào” đối với thị trường tiền tệ Việt Nam thì cũng không hẳn.
“Thị trường kỳ vọng việc thay đổi lãi suất của Fed đã được các nhà hoạch định chính sách tiên lượng và được phản ảnh vào giá cổ phiếu và tỷ giá. Nhưng với xu hướng chuyển dịch dòng vốn và giá chứng khoán thay đổi thời gian qua, lãi suất thay đổi là tất yếu, vấn đề chỉ là câu chuyện thời điểm”, TS. Lực nói.
Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế Việt Nam quá nhỏ để chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ tăng lãi suất, nếu có, tác động này chỉ mang tính tâm lý. Vì thế, không có chuyện thị trường tiền tệ Việt Nam được “thở phào”.
Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, quyết định của Fed giúp thị trường bớt lo lắng, nhưng về tổng thể, nhìn vào khu vực tài chính hiện nay có thể thấy, hệ thống ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt..., nên nếu Fed có tăng lãi suất cũng không tác động nhiều đến Việt Nam. Cụ thể, tính đến ngày 31/8, tín dụng tăng 10,23% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của 7 tháng đầu năm 2014.
Tăng trưởng tín dụng tốt, khu vực DN hoạt động hiệu quả hơn phần nào giúp khoản mục “lãi dự thu” của các NHTM giảm nhẹ (-4,2%) so với cùng kỳ 2014. Hiện tại, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, VN-Index đóng cửa ngày 26/8/2015 tại 545,89 điểm, giảm 12% so với cuối tháng 7, trong khi HNX-Index giảm 10% trong cùng kỳ. Khối ngoại bán ròng nhẹ khoảng 11,7 triệu USD kể từ đầu tháng 8 trên thị trường cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, TTCK có cở sở để phục hồi trở lại do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và TTCK vẫn ở mức độ tích cực.
Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được cân đối lớn về thương mại, đầu tư và ít chịu tác động tiêu cực như các quốc gia mới nổi khác; doanh thu lợi nhuận các DN niêm yết tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2015, mức giá trị nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn với P/E bình quân thị trường về khoảng 10,6 lần; chính sách phát triển TTCK (Thông tư 123/2015/BTC) đang được triển khai đúng tiến độ.
Cần chuẩn bị những giải pháp ứng phó với từng kịch bản
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc Fed chưa tăng lãi suất tuần qua chỉ mang tính tạm thời, đối phó với nhiều lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế chưa nên tăng để tránh sự xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới, nhưng xác suất tăng trong thời gian tới là rất cao. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (18/9), ngay sau quyết định của Fed được công bố, TTCK Mỹ đã giảm điểm, điều này phản ánh tâm lý nhà đầu tư bất ổn.
TS. Nghĩa nhận định, Fed có tăng lãi suất nữa hay không phụ thuộc vào các yếu tố trong nước và các quốc gia khác, nhưng lời giải chính sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng, Fed sẽ không tăng lãi suất. Ngược lại, nếu nền kinh tế của quốc gia này phục hồi, Fed sẽ tăng lãi suất.
Trong khi đó, TS. Lực cho rằng, việc Việt Nam nên làm hiện nay là theo dõi sát sao các diễn biến của Mỹ và quốc tế để đánh giá mức độ tác động của mỗi kịch bản và đưa ra những giải pháp ứng phó cho từng kịch bản. Dự kiến có 3 kịch bản: Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 10 hoặc tháng 12 với mức tăng 0,25%; Fed không tăng lãi suất trong năm nay mà là đầu năm 2016; Fed tăng khác nhịp với lần đầu 0,25% nhưng tiếp sau đó là 0,5 - 0,75%.
“Việt Nam chắc chắn phải tiếp tục ‘nghe ngóng’ cuộc họp tháng 10 và 12 tới của Fed. Xác suất Fed quyết định tăng lãi suất vẫn khá cao”, TS. Lực dự báo.
Đồng quan điểm, vị Tổng giám đốc trên cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và quy mô thị trường tài chính thế giới cao gấp 4 - 5 lần quy mô nền kinh tế thực, tâm lý thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu phần lớn các nhà kinh doanh, đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng cùng chiều, sẽ tạo thành một lực cung - cầu rất lớn, có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của các chính phủ.
“Do đó, cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới, cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động”, vị tổng giám đốc trên nhấn mạnh.
Một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, với mức độ điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm, đồng tiền này không bị phá giá mạnh (dự báo Nhân dân tệ dao động trong khoảng 6,3 - 6,5%) thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam. Vấn đề là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ra sao, số liệu thống kê của Trung Quốc và cam kết của Chính phủ Trung Quốc có minh bạch, chính xác để củng cố lòng tin của thị trường.
“Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội. Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc, để có phản ứng chính sách thích hợp”, vị lãnh đạo trên nói.
Thực tế, thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế. Do đó, công tác truyền thông đóng vài trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Vì thế, các cơ quan hoạch định chính sách cần tăng cường công tác truyền thông để định hướng thị trường theo mục tiêu chính sách. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cũng phải linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Giá vàng trồi sụt phiên đầu năm
-
Những “hiện tượng” trên thị trường địa ốc TP. HCM
-
Đầu tư gần 30.000 tỷ đồng thực hiện "dự án treo" lâu nhất tại TP. HCM
-
Thúc tiến độ chuyển giao vốn nhà nước về SCIC
-
“Thủ thuật” lừa khách hàng của sàn vàng ảo
-
9 cách giảm cân kỳ lạ được khoa học chứng minh
-
Ngoại trưởng Mỹ: Nga có thể tấn công toàn diện vào Ukraine trước khi trời sáng
-
Rét đậm, rét hại kéo dài, thị trường quần áo ấm hút khách
-
Mở bán đợt cuối căn hộ chung cư HP Landmark Tower
-
Giá Bitcoin đảo chiều giảm sâu, thị trường tiền điện tử 'đỏ lửa'