Quảng Ngãi giảm nhiều đầu mối sau tinh gọn bộ máy

Theo báo cáo mới đây của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sau 2 năm Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 04 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và 01 năm thực hiện thí điểm xây dựng danh mục, bản mô tả vị trí việc làm, tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đã đẩy mạnh thực hiện thí điểm kiêm nhiệm và hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp huyện (thí điểm 13/14 văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; 05/14 ban tổ chức cấp huyện với phòng nội vụ cấp huyện; 04/14 ủy ban kiểm tra với thanh tra cấp huyện; thí điểm sáp nhập 02/14 Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy).

Cán bộ Cục thuế Quảng Ngãi thống kê, chốt dữ liệu trước khi tiến hành sát nhập đơn vị. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe tỉnh; xây dựng Đề án thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Đã sắp xếp giảm 21 Ban Chỉ đạo, 14 Ban Quản lý dự án; thực hiện cơ bản mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện, cấp xã. Xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ 2 chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2019- 2021. Thực hiện bền vững mô hình 100% thôn, xóm, bản, tổ dân phố có chi bộ và đẩy mạnh khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên. Đã thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập vượt kế hoạch đề ra.

Cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây cũng đã thông qua Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết Sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, sau khi sắp xếp, sáp nhập 373 thôn, tổ dân phố và đổi tên 01 thôn, 02 tổ dân phố, tỉnh Quảng Ngãi còn lại 954 thôn, tổ dân phố (834 thôn, 120 tổ dân phố). Sau khi giảm 204 thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh sẽ giảm được 715 người hoạt động không chuyên trách và 816 cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố. Nhờ đó ngân sách tỉnh tiết kiệm được trên 20,8 tỷ đồng mỗi năm.

Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính khối Đảng, khối Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (100% các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã ược phê duyệt Đề án). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hành Quy định, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị tỉnh, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị tỉnh. Thực hiện việc tinh giản và cắt giảm biên chế, đảm bảo theo lộ trinh đến năm 2021 giảm 10% theo kế hoạch đề ra. Tính trong 4 năm (2015 – 2018), tỉnh đã thực hiện cắt giảm 1.424 biên chế (biên chế hành chính là 116 và biên chế sự nghiệp là 1.308).


Nguồn: Báo ĐCSVN