Quy hoạch đô thị Hà Nội: Làm đẹp bằng “bàn tay sắt”

Quy hoạch Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 do PPJ thực hiện tích hợp đầy đủ các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường và dự báo tương lai. Việc còn lại là, cần một “bàn tay sắt” đưa Thủ đô phát triển theo đúng lộ trình.

Quy hoạch đô thị Hà Nội: Làm đẹp bằng “bàn tay sắt”

Đã có nền tảng tốt

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011 do nhà thầu tư vấn nước ngoài PPJ (liên danh của Mỹ và Hàn Quốc) thực hiện có sự tham gia của tư vấn trong nước và lấy ý kiến nhân dân, các hội chuyên ngành, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tích hợp đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường và dự báo tương lai. “Phải nói rằng, đây là một quy hoạch có khối lượng công việc lớn, nhiều thách thức, khó khăn và phức tạp nhưng đã được thực hiện thành công”, ông Chính nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ thông qua với tính chất là Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước...

Tuy nhiên, đây mới là quy hoạch chung. Sau quy hoạch này phải tiếp tục triển khai các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch công nghiệp, quy hoạch nông nghiệp… và điều quan trọng nhất là phải rà soát lại các dự án đã có để có cái điều chỉnh thích hợp.

Về sự bất cập của quy hoạch với thực tế phát triển xây dựng đô thị Hà Nội, TSKH. Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cho rằng, từ một đô thị với quy mô vài chục vạn dân đến một Hà Nội hơn 6 triệu dân như hiện nay thì hậu quả là không tránh khỏi. Thêm vào đó, để quy hoạch kiến trúc phù hợp với thực tế cuộc sống còn đòi hỏi phải có quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch chuyên ngành chính xác. Trong khi đó, Hà Nội lại không thể làm thay các bộ, ngành Trung ương trong vấn đề này.

Theo ông Lân, một trong những lý do được mọi người viện dẫn khi nói về sự lộn xộn trong kiến trúc Hà Nội hiện nay là tình trạng quy hoạch “treo”. “Thực tế, cũng có những công trình làm dở dang do thiếu vốn, do chậm giải phóng mặt bằng (dự án xây dựng đường vành đai II, vành đai III) nên chưa xây dựng xong cũng đổ lỗi cho quy hoạch là không công bằng”, ông Lân nói.

Cần một quy chế rõ ràng

KTS. Trần Ngọc Chính cho biết, để có một đô thị đẹp và phát triển bền vững, quan trọng là phải có thiết kế đô thị tốt. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011 là một quy hoạch đáp ứng được những yêu cầu này.

Tuy nhiên, sau khi có quy hoạch tốt phải có một quy chế quản lý quy hoạch chặt chẽ, thực thi một cách có hệ thống ở các cấp chính quyền. Quy hoạch thế nào, thì quản lý như thế; từ quy hoạch cao đến quy hoạch thấp; từ hệ thống hạ tầng xã hội đến hạ tầng kỹ thuật và những vấn đề kiến trúc phải được quản lý hết sức sát sao thông qua quy chế quản lý của quy hoạch. Quy chế là “gậy” để điều hành cả hệ thống cụ thể hóa quy hoạch, hay nói cách khác, quy chế để thực hiện quy hoạch nhất định phải được luật hóa.

“Việc thiết kế không gian đường phố rộng hẹp, kiến trúc cao tầng; hình thức kiến trúc, màu sắc, ánh sáng, biển quảng cáo... đều phải được nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng, để việc quản lý đầu tư phát triển đô thị đúng quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, TP. Hà Nội cần cụ thể hóa và bổ sung vào Luật Thủ đô, các văn bản hướng dẫn thi hành và có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm minh; phân cấp rõ ràng trách nhiệm giữa các cấp, các ngành; đơn giản thủ tục hành chính và tạo hành lang pháp lý để thực thi đồ án quy hoạch có hiệu quả”, ông Chính phân tích.

Theo Hà Quang
baodautu.vn

{fcomment}