Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt nhiều kết quả khả quan

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến ngày 22/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2021, Ngân hàn Nhà nước (NHNN) đã 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đến 20/12, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021

Là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực miễn, giảm phí, giãn hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, năm 2022, ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực miễn giảm phí cho khách hàng: “Dự kiến trong năm 2022, dư địa để tăng trưởng tín dụng sẽ khó khăn hơn những ngân hàng khác, Agribank vẫn quyết tâm kiểm soát chất lượng tín dụng, dành nguồn lực duy trì chính sách hỗ trợ khách hàng thông qua miễn giảm phí, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp, dự kiến số tiền điều chỉnh lãi suất và giảm phí của năm 2022 lên tới 10.000 tỷ đồng”.

Về cung ứng vốn cho nền kinh tế, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

“Tín dụng tiếp tục chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên, và 5 lĩnh vực này đều có mức tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực chung, 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao đều là trụ đỡ của nền kinh tế, do vậy, định hướng năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung hướng dòng vốn tín dụng chảy vào những lĩnh vực này”, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Một vấn đề cũng rất được quan tâm là xử lý nợ xấu: NHNN đánh giá, các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã đạt được. NHNN mong muốn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tạo điều kiện các ngân hàng thương mại phát triển quy mô, cho vay với hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 1,9%, trong khi cuối năm 2020 là 1,69%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC, nợ chưa xử lý thì lên đến 3,79%. Nếu trong tình huống phải cẩn trọng khi xem xét lại các khoản nợ chưa trả, các khoản đang được giãn, hoãn nợ do yếu tố dịch bệnh thì tỷ lệ này được NHNN dự đoán khoảng 8,2%.

“Nợ xấu trong năm 2021 chúng tôi đã nhận diện ra, do khó khăn của dịch, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, nợ xấu tất yếu sẽ tăng lên. Chúng tôi xác định năm 2022 nợ xấu là vấn đề vừa là thử thách, vừa phải đối mặt. Ngành Ngân hàng đã có giải pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng, xác định quy mô mức độ nợ xấu sẽ có giải pháp thích hợp”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định.

Một điểm sáng nổi bật của hệ thống ngân hàng trong năm 2021 là đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tốt. Giao dịch qua POS, qua kênh Internet, qua kênh điện thoại di động, thanh toán qua QR code đều tăng trưởng 2 con số với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code trên toàn Quốc. Đây cũng là những nội dung được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ tập trung thực hiện tốt trong năm 2022./.

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/tang-truong-tin-dung-ngan-hang-dat-nhieu-ket-qua-kha-quan-post914693.vov